Thông thường con người luôn chọn cách an toàn cho mình nhất, chọn viết những gì mà mình biết, hiếm khi viết thứ mà mình không hiểu về nó. Bổng nhiên hôm nay chợt thấy mình nên nói cái điều mà mình không biết, may ra có ai đó chia sẻ và góp ý cho mình chăng.
Tôi từng nghe mà không nhớ ai đã kể cho mình nghe nữa, cũng chẳng hiểu nó đúng hay sai, bởi tầm nhìn kinh tế và kiến thức pháp luật của tôi thật là tí hon. Nhưng tôi vẫn nhớ nội dung ấy.
Câu chuyện thứ nhất, S–Korea nói về luật Cạnh tranh của Việt Nam. S–Korea cho rằng luật Cạnh tranh là cần thiết, nhưng nó tồn tại ở thời điểm này tại Việt Nam chỉ là sự dư thừa và vô bổ. Với một nền kinh tế manh mún như Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ … như cỏ trồi lên sau cơn mưa. Còn những doanh nghiệp mà Việt Nam cho rằng lớn, hàng đầu thì tính ra cũng là nhỏ với Hàn Quốc mà thôi. Với nền kinh tế như thế thì sẽ dễ vở và đẩy đất nước vào chỗ khủng hoảng kéo dài nếu gặp một cú va nhẹ của cạnh tranh bên ngoài. Đáng lẽ ra Viêt Nam phải thả lỏng quy tắc cạnh tranh, tự nền kinh tế diễn ra chuyện “cá lớn nuốt cá bé” và “cá bé sáp nhập thành cá lớn”, như vậy nguyên lý đào thải sẽ phát huy. Doanh nghiệp yếu kém sẽ biến khỏi, nền kinh tế khi ấy chỉ là những công ty mạnh. Như nền kinh tế Hàn Quốc chỉ có vài tập đoàn mà đã vực dậy sự lớn mạnh cho đất nước.
Bao giờ nền kinh tế thật sự ổn định, vững mạnh thì luật Cạnh tranh mới cần thiết để điều chỉnh luật chơi. Như vậy sẽ tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, tránh tổn thương nền kinh tế, còn bây giờ hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ bị chết bởi quy luật tự nhiên cũng là bình thường để tinh lọc nền kinh tế.
Cuối cùng S-Korea tặng một câu: “thà làm công nhân nước Mỹ còn hơn tỷ phú Zimbabwe”
Câu chuyện thứ hai, W–American nói về luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. W–American cho rằng với tình hình khoa học kỷ thuật hiện tại mà Việt Nam có luật Sở hữu trí tuệ đó là sự chảnh chọe không nên. Bởi những nước phát triển như Mỹ thì họ phát minh nhiều, sáng chế nhiều, họ muốn bảo vệ những ý tưởng của mình nên mới cần thiết luật Sở hữu trí tuệ. Còn Việt Nam thì phát minh được cái gì hoành tráng để thế giới công nhận chứ, vậy mà cũng bắt chước bảo hộ. Ôi! Đáng lẽ ra khôn ngoan thì im lặng mà đi ăn trộm ý tưởng của người ta về để phát triển kinh tế nước nhà thì có hay hơn không. Rõ ràng luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đang bảo vệ lợi ích cho một số người phát minh ý tưởng, song với tổng thể lợi ích Quốc gia thì nó chẳng mang lại lợi nhuận gì mà còn gây thiệt hại.
Cuối cùng W–American tặng một câu: “cái bệnh bắt chước không chọn lọc và sĩ diện có thể làm chúng ta từ nghèo đi đến rất ngèo”.
Rất mong thành viên Dân Luật cùng chia sẻ ý kiến!
*Ghi chú: S–Korea và W–American là hai cái tên gắn liền với hình tượng Hàn Quốc và Mỹ để kể lại câu chuyện mà tôi từng nghe.