Viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn xin thôi việc, cơ quan phải xử lý thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #614050 15/07/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1109)
    Số điểm: 18268
    Cảm ơn: 20
    Được cảm ơn 383 lần


    Viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn xin thôi việc, cơ quan phải xử lý thế nào?

    Việc viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn xin thôi việc sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc sắp xếp công việc và ảnh hưởng đến hoạt động chung, cơ quan phải xử lý như thế nào?

    (1) Viên chức nộp đơn xin thôi việc được nghỉ sau bao lâu?

    Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010, viên chức được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, tuy nhiên phải tuân thủ theo các quy định sau:

    - Đối với hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

    - Đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn, viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

    + Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;

    + Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;

    + Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

    + Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;

    + Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;

    + Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.

    Theo thủ tục giải quyết thôi việc cho viên chức trong trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau:

    Trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải thông báo bằng văn bản gửi cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010

    Theo quy định trên, khi viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải tuân theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010, cụ thể:

    Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010.

    Như vậy, dựa theo các quy định trên, viên chức sau khi nộp đơn xin thôi việc, tùy vào lý do nghỉ việc và loại hợp đồng làm việc đã ký mà phải báo cho cơ quan trước ngày muốn nghỉ việc là 03 ngày, 30 ngày hoặc 45 ngày.

    Ngoài ra, viên chức phải có quyết định cho thôi việc của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì mới xem là thôi việc hợp pháp.

    (2) Cơ quan phải xử lý thế nào khi viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn thôi việc

    Việc viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn thôi việc là đã vi phạm quy định pháp luật về chức trách, nhiệm vụ của viên chức trong vấn đề thôi việc.

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, khi viên chức vi phạm quy định của pháp luật về: thực hiện chức trách, nhiệm vụ của viên chức; kỷ luật lao động; quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản thì cơ quan áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức.

    (3) Kết luận

    Việc viên chức nghỉ việc ngày khi nộp đơn thôi việc sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc, gây khó khăn cho việc bàn giao, tiếp nhận công việc. Ngoài ra còn gây mất cân bằng nhân sự, thiếu hụt nguồn nhân lực và tạo tâm lý e dè, lo lắng cho các cán bộ, công chức khác, ảnh hưởng đến tinh thần chung của tập thể.

    Do vậy, khi nghỉ việc, viên chức cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng nghĩa vụ, cam kết trong hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, trong trường hợp có ý định nghỉ việc, cần báo cáo theo đúng quy định, bàn giao công việc cẩn thận, đầy đủ để không ảnh hưởng đến hoạt động chung.

    Về phía cơ quan, để ổn định nhân sự, cơ quan cần có chính sách đãi ngộ, chế độ làm việc hợp lý, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh để thu hút và giữ chân nhân tài. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan cần quan tâm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của viên chức, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, bất cập trong công việc. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của viên chức và xây dựng quy trình xử lý rõ ràng, cụ thể khi viên chức nộp đơn xin thôi việc và tự ý nghỉ việc, đảm bảo vừa tuân thủ pháp luật vừa đảm bảo hoạt động của cơ quan.

     
    368 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận