Năm 2024, viên chức có nhu cầu chuyển công tác cần phải chuẩn bị giấy tờ gì? Mẫu đơn xin chuyển công tác mới nhất hiện nay ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Mẫu đơn xin chuyển công tác đối với viên chức mới nhất hiện nay?
Hiện nay, không có quy định về chuẩn của đơn xin chuyển nơi công tác đối với viên chức. Người viên chức trong trường hợp này có thể tham khảo theo mẫu đơn xin chuyển công tác như sau:
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/don-xin-chuyen-cong-tac.doc Mẫu đơn xin chuyển công tác đối với viên chức
Đồng thời, người viết đơn cũng có thể tham khảo cách viết đơn như sau:
- Mục Kính gửi: Xác định nơi người viết đang làm việc, công tác, nắm rõ các thông tin về cơ quan, tổ chức để có lời kính gửi phù hợp và chính xác tới người, cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc xem xét, quyết định phê duyệt nguyện vọng xin chuyển công tác.
- Nơi sinh: Ghi rõ các thông tin như thôn/xóm/ấp/buôn, xã/phường/thị trấn, quận/huyện, tỉnh/thành phố.
- Hộ khẩu thường trú: Ghi cụ thể và chính xác địa chỉ đăng ký thường trú.
- Nơi ở hiện nay: Ghi rõ xã/phường/thị trấn, quận/huyện, tỉnh/thành phố hiện đang sinh sống.
- Trình độ chuyên môn: Đảm bảo ghi rõ các thông tin như sau:
+ Chuyên ngành đào tạo.
+ Kết quả đào tạo: Xuất sắc, giỏi, tốt, khá, trung bình – khá, yếu.
+ Hệ đào tạo: Chính quy, văn bằng 2, bổ túc, tại chức,…
- Đơn vị công tác hiện nay: Ghi tên đơn vị, cơ quan, bộ phận, chi nhánh hiện đang làm việc, công tác.
Lưu ý: Tránh nhầm lẫn với nơi muốn chuyển đến.
- Chức vụ, công việc đang đảm nhiệm: Ghi rõ chức vụ, công việc hiện tại như: giáo viên, sĩ quan, trưởng phòng,…
- Quá trình công tác của bản thân: Ghi rõ quá trình công tác, làm việc của bản thân từ gần nhất như:
+ Ngày vào ngành.
+ Ngày về đơn vị công tác hiện nay.
+ Hệ số lương, Mã ngạch.
+ …
- Lý do xin chuyển công tác: Mô tả chi tiết và hợp lý về lý do mong muốn chuyển công tác, có thể liên quan đến vấn đề gia đình, cơ hội phát triển nghề nghiệp, hoặc những lý do cá nhân khác.
- Đơn vị xin chuyển đến: Ghi tên, địa chỉ và các thông tin liên quan (nếu có) của nơi mà người viết đơn muốn chuyển đến.
- Kính đề nghị: Thủ trưởng đơn vị, cơ quan hữu quan có thẩm quyền giải quyết.
(2) Hồ sơ chuyển công tác đối với viên chức bao gồm những gì?
Tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan mà sẽ có những yêu cầu về các loại giấy tờ, hồ sơ khác nhau. Tuy nhiên, một bộ hồ sơ xin chuyển nơi công tác vẫn cần đáp ứng được những giấy tờ cơ bản như sau:
- Đơn xin chuyển công tác có có sự đồng ý của người quản lý, thủ trưởng đơn vị (có thể tham khảo thêm mẫu tại mục 1).
- Văn bản đồng ý tiếp nhận của nơi chuyển đến
- Bản tự kiểm điểm cá nhân (có ý kiến nhận xét của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý)
- Sơ yếu lý lịch của viên chức theo mẫu. Trong đó, có dán ảnh và được xác nhận bởi Trưởng đơn vị.
- Phiếu nhận xét đánh giá viên chức.
- Bản sao quyết định bổ nhiệm vào ngạch.
- Bản sao quyết định hệ số lương, quyết định nâng lương,…
Như vậy, để có thể xin chuyển công tác thì người viên chức cần phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ như đã nêu trên.
(3) Khi nào thì viên chức được thay đổi vị trí việc làm?
Căn cứ theo Điều 32 Luật Viên chức 2010 quy định về việc thay đổi vị trí việc làm đối với viên chức như sau:
- Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.
- Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
- Khi chuyển sang vị trí việc làm mới, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng làm việc hoặc có thay đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 và Điều 31 Luật Viên chức 2010.
Theo đó, khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu thì viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu đáp ứng được đầy đủ những tiêu chuẩn của vị trí đó. Ngoài ra, khi thay đổi vị trí việc làm của viên chức thì còn phải tuân theo những nguyên tắc như đã nêu trên.