Việc thi hành án tử hình được tiến hành như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #617559 17/10/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1330)
    Số điểm: 24014
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 475 lần
    SMod

    Việc thi hành án tử hình được tiến hành như thế nào?

    Việc thi hành án tử hình được tiến hành như thế nào? Việt Nam hiện có những hình thức tử hình nào? Bữa ăn cuối cùng của người tử tù có những gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    (1) Việc thi hành án tử hình được tiến hành như thế nào?

    Căn cứ khoản 4 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự 2019 có quy định trình tự thi hành án tử hình được thực hiện như sau:

    Bước 01: Căn cứ quyết định thi hành án tử hình và yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải người chấp hành án đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình.

    Bước 02: Cán bộ chuyên môn thuộc Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân tiến hành lăn tay, kiểm tra danh bản, chỉ bản, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu có liên quan; chụp ảnh, ghi hình quá trình làm thủ tục lăn tay, kiểm tra và lập biên bản; báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình về kết quả kiểm tra.

    Bước 03: Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình công bố quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án TAND tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng VKS nhân dân tối cao, quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND tối cao hoặc kháng nghị của Viện trưởng VKS nhân dân tối cao, quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.

    Bước 04: Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp có nhiệm vụ giao các quyết định trên cho người chấp hành án để người đó tự đọc.

    Trường hợp người chấp hành án không biết chữ, không biết tiếng Việt hoặc không tự mình đọc được thì Hội đồng thi hành án tử hình chỉ định người đọc hoặc phiên dịch các quyết định trên cho người đó nghe.

    Quá trình công bố và đọc các quyết định phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm và lưu vào hồ sơ thi hành án.

    Bước 05: Cán bộ chuyên môn do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu chỉ định thực hiện việc thi hành án và báo cáo kết quả cho Chủ tịch Hội đồng.

    Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, bác sĩ pháp y xác định tình trạng của người đã bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.

    Bước 06: Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản thi hành án; báo cáo về quá trình, kết quả thi hành án cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan quản lý thi hành án hình sự.

    Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu làm thủ tục khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thi hành án.

    Bước 07: Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm bảo quản tử thi, tổ chức mai táng, vẽ sơ đồ mộ người đã bị thi hành án.

    UBND cấp xã nơi mai táng có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc mai táng và quản lý mộ của người đã bị thi hành án.

    Bước 08: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thông báo cho thân nhân của người đã bị thi hành án biết, ngoại trừ trường hợp thân nhân có đơn xin nhận tử thi của người đã bị thi hành án tử hình.

    Theo đó, hiện nay, việc thi hành án tử hình được thực hiện theo trình tự 08 bước như đã nêu trên.

    (2) Việt Nam hiện có những hình thức tử hình nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự 2019 có quy định về hình thức và trình tự thi hành án tử hình như sau:

    - Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định.

    - Trước khi thi hành án, Hội đồng thi hành án tử hình phải kiểm tra danh bản, chỉ bản, hồ sơ lý lịch của người chấp hành án tử hình; trường hợp người chấp hành án là nữ thì Hội đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự.

    - Trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.

    Từ quy định nêu trên, có thể thấy, hiện nay Việt Nam chỉ có duy nhất 01 hình thức tử hình là tiêm thuốc độc. Trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.

    (3) Bữa ăn cuối cùng của người tử tù có những gì?

    Căn cứ Điều 11 Nghị định 43/2020/NĐ-CP có nêu rõ, một trong những trách nhiệm của trại tạm giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình là tổ chức cho người bị thi hành án tử hình ăn, uống (được hưởng bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết quy định đối với người bị tạm giam), viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng.

    Bên cạnh đó, tại Điều 27 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có quy định về chế độ ăn, ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam như sau:

    - Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước chấm, bột ngọt, chất đốt, điện, nước sinh hoạt. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam ăn hết tiêu chuẩn.

    Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

    Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Chính phủ quy định cụ thể định mức ăn phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách và biến động giá cả thị trường.

    - Người bị tạm giữ được nhận quà của thân nhân gửi trong thời gian bị tạm giữ không quá một lần; nếu gia hạn tạm giữ thì mỗi lần gia hạn tạm giữ được nhận quà một lần. Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá ba lần trong 01 tháng. Định lượng quà là đồ ăn, uống cho mỗi lần gửi không được vượt quá ba lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức tiếp nhận, kiểm tra loại bỏ các vật bị cấm và giao đầy đủ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt quà, đồ dùng sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được phép gửi.

    - Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm an toàn thực phẩm trong ăn, uống. Cơ sở giam giữ tổ chức bếp ăn và được cấp các dụng cụ cần thiết cho việc bảo quản lương thực, thực phẩm, nấu ăn, nước uống và chia đồ ăn theo khẩu phần tiêu chuẩn.

    - Chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị tạm giữ, người bị tạm giam là 02 mét vuông (m2), được bố trí sàn nằm và có chiếu.

    Từ quy định nêu trên, có thể thấy, bữa cơm cuối cùng của người tử tù hiện nay sẽ do trại tạm giam nơi giam giữ tổ chức. Theo đó, người tử tù sẽ được ăn, uống bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết.

    Mà vào các ngày Lễ, Tết, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

    Theo đó, bữa cơm cuối cùng của người tử tù sẽ được ăn với tiêu chuẩn tối đa gấp 25 lần mức ăn của một ngày bình thường. Tại thời điểm này, người tử tù có thể được ăn những món mà mình thích. Ngoài ra, còn được viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng để nhắn gửi cho người thân, gia đình.

     
    20 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận