Vị trí đặt biển báo an toàn điện và đối tượng chịu trách nhiệm đặt biển báo an toàn điện

Chủ đề   RSS   
  • #616058 06/09/2024

    Vị trí đặt biển báo an toàn điện và đối tượng chịu trách nhiệm đặt biển báo an toàn điện

    Các biển báo an toàn điện phải được đặt ở những vị trí nào? Đối tượng nào có trách nhiệm đặt biển báo an toàn điện?

    1. Các biển báo an toàn điện phải được đặt ở những vị trí nào?

    Căn cứ quy định tại Điều 17 Thông tư 05/2021/TT-BCT, tùy từng vị trí mà sẽ phải đặt những biển báo an toàn điện tương ứng, cụ thể như sau:

    1.1. Đối với đường dây điện cao áp trên không, phải đặt biển “CẤM TRÈO! ĐIỆN CAO ÁP NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI” trên tất cả các cột của đường dây ở độ cao từ 2,0 m so với mặt đất trở lên về phía dễ nhìn thấy (Hình 1a hoặc 1b Phụ lục II Thông tư 05/2021/TT-BCT).

    1.2. Đối với đường cáp điện ngầm không sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật với các loại đường ống hoặc cáp khác, phải đặt biển báo “CÁP ĐIỆN LỰC” trên mặt đất hoặc trên cột mốc, ở vị trí tim rãnh cáp, dễ nhìn thấy và xác định được đường cáp ở mọi vị trí; tại các vị trí chuyển hướng bắt buộc phải đặt biển báo; khoảng cách giữa hai biển báo liền kề không quá 30 m (Hình 6 Phụ lục II Thông tư 05/2021/TT-BCT).

    1.3. Đối với trạm điện có tường rào bao quanh, phải đặt biển “CẤM VÀO! ĐIỆN CAO ÁP NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI” trên cửa hoặc cổng ra vào trạm (Hình 2 Phụ lục II Thông tư 05/2021/TT-BCT).

    1.4. Đối với trạm điện treo trên cột, việc đặt biển báo được thực hiện theo quy định đối với đường dây điện cao áp trên không.

    1.5. Đối với trạm biến áp hợp bộ kiểu kín, trạm biến áp một cột, trạm đóng cắt hợp bộ ngoài trời, tủ phân dây (Tủ Piliar) phải đặt biển “CẤM LẠI GẦN! CÓ ĐIỆN NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI” trên vỏ trạm về phía dễ nhìn thấy (Hình 3 Phụ lục II Thông tư 05/2021/TT-BCT).

    1.6. Trên bộ phận điều khiển, truyền động thiết bị đóng cắt đã cắt điện cho đơn vị công tác làm việc phải treo biển “CẤM ĐÓNG ĐIỆN! CÓ NGƯỜI ĐANG LÀM VIỆC” (Hình 4 Phụ lục II Thông tư 05/2021/TT-BCT).

    1.7. Trên rào chắn phải đặt biển “DỪNG LẠI! CÓ ĐIỆN NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI” về phía dễ nhìn thấy (Hình 5 Phụ lục II Thông tư 05/2021/TT-BCT).

    1.8. Tại nơi làm việc đã được khoanh vùng, nếu cần thiết: Tại khu vực làm việc đặt biển “LÀM VIỆC TẠI ĐÂY” (Hình 7 Phụ lục II Thông tư này); đầu lối vào khu vực làm việc đặt biển “VÀO HƯỚNG NÀY” (Hình 8 Phụ lục II Thông tư này), “ĐÃ NỐI ĐẤT” (Hình 9 Phụ lục II Thông tư 05/2021/TT-BCT).

    1.9. Biển “CẤM TRÈO! ĐIỆN CAO ÁP NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI”, “CẤM VÀO! ĐIỆN CAO ÁP NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI”, “CẤM LẠI GẦN! CÓ ĐIỆN NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI” quy định tại Điều 16 Thông tư 05/2021/TT-BCT, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải sơn trực tiếp (đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, xã, ấp thuộc các tỉnh, thành phố), lắp đặt biển báo chế tạo rời (đối với khu vực thị trấn, thị tứ và các thị xã, thành phố) vào đúng nơi quy định.

    2. Đối tượng nào có trách nhiệm đặt biển báo an toàn điện?

    Căn cứ Điều 18 Thông tư 05/2021/TT-BCT, trách nhiệm đặt biển báo an toàn điện được quy định như sau:

    2.1. Chủ đầu tư (đối với công trình xây dựng mới) hoặc đơn vị quản lý vận hành (đối với công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng) có trách nhiệm đặt biển theo các mục 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5, 1.7, 1.9.

    2.2. Người giám sát thao tác có trách nhiệm đặt biển theo mục 1.6

    2.3. Người chỉ huy trực tiếp đơn vị công tác hoặc người cho phép đơn vị công tác vào làm việc có trách nhiệm đặt biển theo mục 1.8.

    Trên đây là quy định hiện hành về các loại biển báo an toàn điện cùng với vị trí đặt tương ứng và đối tượng chịu trách nhiệm đặt biển báo an toàn điện.

     
    111 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận