Văn bản tố tụng có thể hiểu là tài liệu, hồ sơ có liên quan đến vụ án, vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền cung cấp, sử dụng trong quá trình tố tụng.
Để thực hiện nhiệm vụ cấp, tống đạt cũng như sử dụng trong quá trình tố tụng cần xác định cụ thể văn bản tố tụng gồm những gì. Nội dung dưới đây sẽ tổng hợp quy định về văn bản tố tụng trong hình sự, dân sự và hành chính.
Trong Hình sự:
Điều 132 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định về văn bản tố tụng:
1. Văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án và các văn bản tố tụng khác trong hoạt động tố tụng được lập theo mẫu thống nhất.
2. Văn bản tố tụng ghi rõ:
a) Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng;
b) Căn cứ ban hành văn bản tố tụng;
c) Nội dung của văn bản tố tụng;
d) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.
Trong Dân sự:
Điều 171 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định về các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt, thông báo gồm:
- Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự.
- Bản án, quyết định của Tòa án.
- Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát; các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự.
- Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.
Trong Hành chính:
Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo theo Điều 100, Luật tố tụng hành chính 2015 gồm:
- Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng hành chính.
- Bản án, quyết định của Tòa án.
- Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát; văn bản của cơ quan thi hành án dân sự.
- Văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định phải cấp, tống đạt hoặc thông báo.