Ngày Tết là dịp có lưu lượng người di chuyển lớn, trong đó về quê ăn Tết bằng xe khách vẫn là lựa chọn tốt đối công nhân đi làm xa nhà. Đặc biệt là vì giá thành rẻ, di chuyển nhanh và an toàn hơn đi xe máy.
Tuy nhiên, lợi dụng dịp này nhiều nhà xe tự ý tăng giá vé lên so với niêm yết giá vé thường ngày, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hành khách và nhu cầu đi lại của người dân. Vậy hành vi nêu trên sẽ bị xử lý ra sao?
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi tăng giá vé trái quy định
Nhằm đảm bảo người lao động được sử dụng dịch vụ di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán được đúng giá và an toàn thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 1174/CĐ-TTg năm 2022 về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội xuân 2023.
Theo đó, yêu cầu nhà xe nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm ATGT và phòng dịch Covid-19.
Đặc biệt, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến, không để hành khách về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan tới tình trạng xe dù, bến cóc, hành vi tăng giá vé trái quy định.
Lưu ý: Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cơ sở giáo dục, đào tạo chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu, xe trực tiếp cho công nhân, người lao động và sinh viên.
Qua đó, nhà xe có hành vi tự ý tăng giá vé so với giá niêm yết vào dịp Tết này sẽ bị xử lý nghiêm bởi lực lượng chức năng.
Mức phạt tiền hành vi tự ý tăng giá vé xe
(1) Không thực hiện việc đăng ký, niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ
Cụ thể tại điểm b khoản 4 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định trường hợp xe khách Không thực hiện việc đăng ký, niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ sẽ bị xử phạt như sau:
- Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 03 triệu đồng - 04 triệu đồng.
- Đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải: Phạt tiền 06 triệu đồng - 08 triệu đồng.
Khi không thực hiện việc đăng ký, niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ theo quy định về: Hành trình chạy xe; điểm đầu, điểm cuối của tuyến; giá cước; giá dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Trừ các hành vi không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ theo quy định trên xe ô tô chở hành khách về: Biển số xe; khối lượng hành lý miễn cước; số điện thoại đường dây nóng.
(2) Không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết
Theo điểm d khoản 6 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nhà xe không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết sẽ bị xử lý như sau:
- Đối với cá nhân: Phạt tiền 05 triệu đồng - 06 triệu đồng.
- Đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải: Phạt 10 triệu - 12 triệu đồng.
Khi không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết về: Hành trình chạy xe; điểm đầu, điểm cuối của tuyến; giá cước; giá dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Ngoài việc xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền thì nhà xe còn buộc phải phải đăng ký, niêm yết đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định. Đồng thời đối với trường hợp thu tiền cước, tiền dịch vụ cao hơn quy định buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
(3) Xử phạt đối với tài xế lái xe, nhân viên phục vụ
Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP còn quy định một số mức phạt áp dụng với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe trong trường hợp thu tiền vé cao hơn quy định:
- Phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng: Đối với lái xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định.
- Phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng: Đối với nhân viên phục vụ trên xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định thực hiện hành vi thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách; thu tiền vé cao hơn quy định.
Nhà xe tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng tăng giá vé ra sao?
Các Sở Giao thông vận tải địa phương đều đã có kế hoạch về việc kiểm tra, giám sát ngăn chặn tình trạng nhà xe lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân tăng cao để bán vé xe khách không theo giá niêm yết. Theo đó:
- Tại TP. Hà Nội:
Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội yêu cầu các bến xe làm việc với đơn vị vận tải bán vé điện tử và thực hiện quy định về giá vé, các đơn vị nếu có tăng giá vé phải gửi đăng ký giá vé và vé trước ngày 11/01/2023 (tức ngày 20 tháng Chạp). Đồng thời, không thu tiền cao hơn giá vé đã đăng ký, không chở quá số ghế quy định.
- Tại TP. Hồ Chí Minh:
Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị vận tải có nhu cầu điều chỉnh giá vé trong dịp phục vụ Tết Nguyên đán cần thực hiện việc kê khai giá theo quy định.
- Tại TP. Đà Nẵng:
Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định niêm yết công khai giá vé tại nơi bán vé và trên phương tiện theo quy định, bán đúng giá vé đã đăng ký với cơ quan chức năng.
Đồng thời, yêu cầu bến xe tổ chức bán vé và giám sát việc chấp hành bán vé theo đúng giá đã đăng ký của các doanh nghiệp vận tải, kịp thời báo cáo các hành vi vi phạm về giá vé.
Như vậy, người dân sẽ yên tâm dịp Tết không có việc giá vé sẽ tăng cao bất tượng mà không được niêm yết giá trên trang chủ và cổng dịch vụ của các nhà xe. Trường hợp mà nhà xe được tăng giá vé dịch vụ đã được Sở GTVT chấp thuận tăng giá vé thì phải niêm yết và thông báo đến khách hàng.