Vừa qua dự luận đang xôn xao về sự việc xảy ra tại Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh về việc nhóm bạn thân thay phiên tố nhau phạm tội.
Tóm tắt sự việc như sau:
A bị mất xe máy, A đến cơ quan công an trình báo sự việc, A nghi ngờ B (là bạn thân của mình) thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Qua đấu tranh khai thác thì B đã thừa nhận là cùng C thực hiện hành vi trộm cắp chiếc xe của A đem ra khu vực gần biên giới Campuchia bán lấy tiền tiêu xài.
Sau khi cảm thấy bị tổn thương vì người bạn chí cốt tố mình tội trộm cắp, B đã tố ngược lại về một hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của A, C và D, được biết đây là những người bạn thân thiết với nhau trước đó. Theo đó, A, C và D đã thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản đối với ông X là nhân viên bảo vệ, đồng nghiệp của C.
Qua đấu tranh khai thác, hành vi phạm tội của các đối tượng làm rõ. A, C, D đứng trước việc phải chịu trách nhiệm về hành vi giết người, cướp tài sản đối với ông X. B thì ngoài tội trộm cắp tài sản thì còn tự tố giác mình về tội “không tố giác tội phạm” theo quy định của Điều 19 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án cũng là một bài học cảnh tỉnh cho mọi người khi rơi vào trường hợp biết rõ hành vi phạm tội của bạn bè, người thân. Phải làm thế nào để đảm bảo sự an toàn pháp lý cho bản thân khi biết bạn bè, người thân của mình phạm tội hình sự?
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 19 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì các trường hợp là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì nếu không tố giác thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đây là tính nhân văn, đề cao tình ruột thịt, máu mủ của dân tộc Việt Nam. Như vậy, nếu rơi vào những trường hợp này các bạn không cần phải tố giác nguời thân của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật, góp phần vào xã hội thượng tôn pháp luật thì các bạn nên động viên, khuyến khích người thân của mình ra tự thú/đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Đặc biệt ở những trường hợp này, các bạn cần lưu ý là nguời thân chỉ không được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoàn toàn. Luật ngoại trừ những trường hợp là những tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia như tội phản bội Tổ quốc, gián điệp, bạo loạn, khủng bố chính quyền nhân dân… và những tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đối với những tội này, khi biết người thân của mình vi phạm pháp luật thì phải tố giác đến cơ quan có thẩm quyền gần nhất nhé các bạn.
Ngoài ra, Luật còn giới hạn việc chịu trách nhiệm hình sự với tội không tố giác tội phạm đối với người bào chữa. Theo đó người bào chữa không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như biết người mình bào chữa đã, đang hoặc sẽ phạm tội trừ những tội về xâm phạm an ninh quốc gia và trừ những tội đặc biệt nghiêm trọng đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện, đang thực hiện hoặc đã thực hiện.
Đây là những lưu ý khi biết bạn bè, người thân phạm tội. Các bạn cần biết để bảo vệ chính mình. Thân cỡ nào thì thân, nhưng phải thượng tôn pháp luật nhé.