"Tự thú" và "đầu thú" theo Bộ luật TTHS 2015

Chủ đề   RSS   
  • #450038 21/03/2017

    Dong_Bich
    Top 150
    Male
    Lớp 11

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:04/02/2017
    Tổng số bài viết (534)
    Số điểm: 15714
    Cảm ơn: 125
    Được cảm ơn 466 lần


    "Tự thú" và "đầu thú" theo Bộ luật TTHS 2015

    Nhiều quy định đổi mới được ra đời với Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong đó, những nội dung về tinh thần nâng cao việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hướng tới sự nhận đạo hơn đối với người phạm tội được chú trọng. Lần đầu tiên quy định cụ thể về hành vi “đầu thú” và “tự thú” được đưa vào bộ luật này.

    Xét về mặt bản chất, hành vi “Đầu thú” và “tự thú” là hai trường hợp khác nhau, được luật quy định khác nhau nên dựa vào đó có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc xem xét áp dụng nhiều chế định liên quan về việc đánh giá khung hình phạt trong thực tế xét xử. Do đó việc hiểu đúng và áp dụng chính xác để đảm bảo nguyên tắc và quyền lợi cho bị can, bị cáo là điều vô cùng cần thiết.

    Theo quy định tại Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

    “h. Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

    i. Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.”

    Mặc dù Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã bị tạm dừng hiệu lực đã tạm dừng hiệu lực thi hành nhưng theo tinh thần Nghị quyết 109/2015/QH13, Nghị quyết 144/2016/QH13, thì vẫn phải áp dụng những quy định có lợi của hai bộ luật này đối với bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án.

    Trong thực tế tại hai bộ luật hình sự và tố tụng hình sự hiện hành không quy định cụ thể về việc “đầu thú” và “tự thú” mà phải dựa theo hướng dẫn của Công văn 81/2002/TANDTC:

    ““Tự thú” là tự mình nhận tội và khai báo hành vi phạm tội của mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.

    “Đầu thú” là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…

    Nếu người phạm tội tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tự thú” quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999 đối với người phạm tội.

    Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.”

    Hiện nay có 02 quan đểm về vấn đề này như sau:

    1. Có quan điểm cho rằng cần phải theo hướng dẫn tại Công văn 81/2002/TANDTC mà tiến hành khi giải quyết vấn đề. Và theo tinh thần của công văn này thì hành vi “tự thú” và “đầu thú chỉ có một điểm khác nhau là việc “đã có ai biết đến hành vi phạm tội của mình hay chưa. Có thể hiểu rằng, nếu người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị bất kì ai phát hiện và họ tự giác trình diện và khai nhận toàn bộ hành vi của mình thì sẽ được xem là “tự thú”. Và những trường hợp đến cơ quan có thẩm quyền trình diện khi phạm tội chỉ được xem là “đầu thú”. Hướng dẫn này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

    2. Ngoài ra còn có một quan điểm khác cho rằng cần phải linh hoạt hơn khi áp dụng hướng dẫn tại Công văn 81/2002/TANDTC. Vì có nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ áp dụng như vậy sẽ có một số trường hợp bất cập cụ thể như sau:

    Thứ nhất, Công văn 81/2002/TANDTC quy định đồng thời hai điều kiện “có người đã biết mình phạm tội” và “biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện” để đánh giá là người phạm tội “đầu thú”. Nếu áp dụng như vậy, sẽ có một trường hợp bất cập. Giả sử người thực hiện tội phạm đã bị ngươi khác phát hiện ra hành vi của mình, tuy nhiên người đó có đủ thời gian và điều kiện để trốn tránh nhưng lại không bỏ trốn và đến cơ quan chức năng trình diện, khai báo thì sẽ áp dụng như thế nào? Ta có thể thấy, người thực hiện hành vi tội phạm biết bản thân đã bị phát hiện, đương nhiên sẽ không được xem là “tự thú” nếu ra trình diện, nhưng xét theo hướng dẫn thì trường hợp đó cũng không được xem là “đầu thú” vì người này hoàn toàn có thể lẩn trốn đối với hành vi của mình

    Thứ hai, trong thực tế cho thấy việc “bị phát hiện” đôi khi nằm ngoài ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi tội phạm. Có thể họ không biết rằng mình đã bị phát hiện, mặc dù có đủ điều kiện để bỏ trốn nhưng đã ra cơ quan chức năng trình báo, khai nhận hành vi của mình. Xét về mặt bản chất, mức độ ăn năn hối cải trong trường hợp này không khác gì là “tự thú” . Tuy nhiên trong thực tế, hành vi của họ đã bị phát hiện (mà họ không biết) thì cũng không được xem tà “tự thú”.

    Thứ ba, có nhiều quan điểm cho rằng nên quy định như thế nào là “phát hiện hành vi phạm tội” và “ai là người phát hiện” để xem xét áp dụng tình tiết “tự thú”, “đầu thú” cho phu hợp với thực tiễn. Nhiều người cho rằng “phát hiện được người phạm tội” chỉ cần là “nhìn thấy người khác thực hiện hành vi phạm tội” lại có quan điểm khác cho rằng” phải biết rõ lai lịch, địa chỉ của người phạm tội mới được xem là “phát hiện”. Và “ai là người phát hiện”, theo quan điểm thứ nhất, “người phát hiện” có thể là bất kì ai nhưng theo quan điểm khác thì pháp luật chỉ quy định là “người phát hiện” chứ không phải “người biết sự việc” nên cần loại trừ đồng phạm hoặc những đối tượng khác cùng tham gia vụ án.

    Ý nghĩa lớn nhất của việc quy định phân biệt tình tiết “đầu thú”, “tự thú” là để đánh giá mức độ hành vi, ý thức tự nguyện người phạm tội và mức độ ăn năn hối cải khi sự việc đã xảy ra, dựa vào đó để xem xét áp dụng những quy định, tinh tiết giảm nhẹ cho phù hợp. Chính vì vậy, để có thể xem xét dấu hiệu để phân biệt hai hành vi “tự thú” và “đầu thú”, phải đánh giá được người thực hiện hành vi phạm tội có trể bỏ trốn được hay không.

    Khi người thực hiện hành vi phạm tội bị xác định danh tính rõ rang bởi người khác (không phải là đồng phạm, bị can trong cùng vụ án), và họ không trể bỏ trốn được nên ra trình diện, khai báo thì xem là “đầu thú”. Còn nếu như trường hợp, người thực hiện hành vi phạm tội không bị xác định rõ danh tính, lai lịch, họ có thể trốn thoát tuy nhiên lại ra trình diện khai báo thì phải xem là tự thú để khuyến khích tinh thần tự giác và ăn năn hối cải này của người phạm tội

    Hiện thời chưa có hướng dẫn chính thức theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 201 thì nên áp dụng quy định và hướng cẫn của Công văn 81/2002/TANDTC một cách “linh hoạt” và phù hợp. Việc vận dụng linh hoạt những quy định này để không trái những nguyên tắc cơ bản của quy định hiện hành mà vẫn có lợi cho người phạm tội sẽ góp phần đạt được mục đích cuối cùng là cải tạo, giáo dục, cho họ có thêm cơ hội hoàn lương.

    Theo Đồng Thị Lan Anh

    VKSDN quận Ngô Quyền - Hải Phòng

     

    Cập nhật bởi Dong_Bich ngày 21/03/2017 11:07:50 SA

    Đây là chữ ký

     
    38782 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn Dong_Bich vì bài viết hữu ích
    nguyenduyts (03/04/2017) Khongtheyeuemhon (21/03/2017)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận