Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Một đến hai ngày trở lại đây mọi người xôn xao nhiều với thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý đối với hai phương tiện mang Biển kiểm soát (BKS) 51A-558.50 và 51G - 772.56.
Theo Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Đường Cao Tốc Việt Nam (VEC E) đơn vị đã thay mặt VEC thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn, nguyên nhân là do hai phương tiện này đã có các hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông, hành động phá hoại tài sản, đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực.
Theo bản thân tôi nếu có thông báo từ chối thì đây là một thông báo vượt quá thẩm quyền của VEC.
Thứ nhất, Khoản 3, Điều 14, Thông tư 90/2014/TT-BGTVT hướng dẫn về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Đơn vị khai thác, bảo trì có quyền từ chối phục vụ xe quá tải, quá khổ theo quy định đi vào đường cao tốc, đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời.
Tại đây chỉ có quy định về việc từ chối với xe quá tải, quá khổ chứ không có quy định về từ chối phục vụ đối với các hành vi khác. Đồng thời việc xử lý phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền chứ không trao toàn bộ thẩm quyền xử lý cho cơ đơn vị khai thác.
Thứ hai, hay nội dung tại Điểm b, Khoản 2, Điều 12, Thông tư 90/2014/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 45/2018/TT-BGTVT
2. Trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc:
…
b) Phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 8, khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
…
d) Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tuần đường; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng đường cao tốc.”.
Cả Điểm b và d Khoản 2, Điều 2 ta đều thấy việc xử lý hành vi vi phạm phải có sự phối hợp giữa VEC và các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, đây là hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu bị xử lý ngoài việc tuân theo các quy định nêu trên thì phải căn cứ vào các quy định liên quan, nếu nặng thì có thể truy cứu về trách nhiệm hình sự, nhẹ thì bị xử lý hành chính theo Luật giao thông Đường bộ 2008, Luật Xử lý Vi phạm hành chính 2012 hoặc Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Nhưng trong các quy định về xử lý vi phạm hành chính không hề quy định về thẩm quyền xử phạt cho VEC.
Tổng hợp các quy định trên ta thấy rằng, không có quy định nào trao toàn quyền quyết định xử phạt (hay theo VEC là từ chối phục vụ) các vi phạm cho nhà đầu tư hoặc các doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác đường cao tốc. Quyết định 13/QĐ-VEC-HĐTV là quyết định của Hội đồng Thành viên VEC, không có bất kỳ sự phối hợp nào với các cơ quan có thẩm quyền, điều này cho thấy rằng nếu thông báo từ chối phục vụ là có thật thì đây là một quyết định vượt quá thẩm quyền của VEC.