Tại Nghị quyết 117/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2017 có nội dung:
"8. Về việc thí điểm tổ chức Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội
Trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 26/2013/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP , Chính phủ đồng ý thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội nhưng nội dung thí điểm phải bảo đảm không trái với quy định của các Luật liên quan. Thời gian thực hiện thí điểm trong 02 năm.
Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án thí điểm tổ chức Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, trong đó làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác với Thanh tra Sở Xây dựng và cơ quan liên quan, bảo đảm không tăng biên chế; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định."
Tại Quyết định 26/2018/QĐ-TTg về thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành:
"Điều 1. Thí điểm thành lập và vị trí, chức năng của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị
1. Thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội.
2. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là tổ chức hành chính trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội (sau đây viết tắt là cấp huyện), có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị.
Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị được trang bị phương tiện làm việc theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện và sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Xây dựng.
3. Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị có trụ sở làm việc, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước."
Theo quy định trên thì Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là tổ chức hành chính trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.
Tại Quyết định 73/2014/QĐ-UBND tổ chức lại “Thanh tra đô thị thành phố Vinh” thành “Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Vinh” do tỉnh Nghệ An ban hành:
"Điều 2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Vị trí, chức năng:
a) Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Vinh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Vinh, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện về tổ chức và hoạt động của UBND thành phố Vinh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các sở, ngành, cơ quan có thẩm quyền về chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động;"
Anh tham khảo quy định của các tỉnh thành giúp em. Hiện không tìm thấy văn bản của trung ương anh nhé. Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính anh tham khảo tại Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012:
"Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính
1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm.
Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga."
Khoản 7 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP:
“1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.
Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.
Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.”"
Như vậy, chỉ có những người nêu trên mới được lập quyền biên bản anh nhé.