Trường hợp nào nhận cha, con không cần làm xét nghiệm ADN?

Chủ đề   RSS   
  • #607064 24/11/2023

    Trường hợp nào nhận cha, con không cần làm xét nghiệm ADN?

    Trên thực tế, nhiều cặp cha, mẹ không đăng ký kết hôn và có con chung, người cha có nhu cầu nhận cha, con thì cần có xét nghiệm ADN để chứng minh quan hệ.

    Như vậy, pháp luật có quy định trường hợp nào không cần làm xét nghiệm ADN và vẫn được công nhận quan hệ cha, con hay không? Bài viết này sẽ giải đáp vấn đề trên.

    Quy định về xác nhận cha, con theo Luật hôn nhân và gia đình 2014:

    Căn cứ Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014, xác định cha, mẹ theo nguyên tắc sau:

    - Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

    - Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

    Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

    - Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

    Như vậy, theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng thì được xác định quan hệ cha, mẹ, con, trường hợp này người cha và người con được công nhận quan hệ cha, con mà không yêu cầu phải có quan hệ huyết thống.

    Xác nhận cha, con theo trường hợp thông thường thì cần xét nghiệm ADN

    Theo Luật hộ tịch 2014 thì người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. 

    Theo Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP:

    Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

    - Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

    - Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

    Như vậy, theo trường hợp thông thường, đăng ký nhận cha, con thì cần có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con, mà được thể hiện qua văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con, tức giấy xét nghiệm ADN.

    Chỉ trường hợp vì lý do đặc biệt nào đó mà không xét nghiệm ADN được thì được lập văn bản cam đoan quan hệ cha, con và có thêm ít nhất hai người làm chứng. Ngoài các trường hợp thông thường, Thông tư 04/2020/TT-BTP vẫn có quy định một số trường hợp đặc biệt sau không yêu cầu chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con nhưng vẫn được công nhận mối quan hệ cha, con:

    Đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt

    - Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.

    - Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.

    Trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ và lập văn bản thừa nhận con chung không đúng sự thật tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

    - Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.

    Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này.

    Như vậy, trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con nên không cần xét nghiệm ADN và vẫn được công nhận mới quan hệ cha, con thông qua thông tin được bổ sung hộ tịch trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh (nếu đã đăng ký khai sinh) hoặc thông qua thông tin Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh khi đăng ký khai sinh lần đầu.

     
    2404 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận