Ngừng hoạt động dự án đầu tư xây dựng trong thời gian vận hành là việc không một nhà đầu tư nào muốn gặp phải vì nó có thể ảnh hưởng đến vốn đầu tư, dự án có thể đổ vỡ. Vì vậy các nhà đầu tư cần phải nắm rõ các trường hợp buộc phải ngừng hoạt động sau đây.
1. Dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư tại Việt nam cần thực hiện theo nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư được quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư 2020 như sau:
- Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chấp thuận chủ trương đầu tư phải được thực hiện trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
- Đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư.
- Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy và chữa cháy, quy định khác của pháp luật có liên quan, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
2. Trường hợp nào dự án đầu tư bị ngừng hoạt động theo yêu cầu?
Căn cứ tại Điều 47 Luật Đầu tư 2020 quy định cụ thể các trường hợp dự án đầu tư bị ngừng hoạt động của dự án đầu tư như sau:
- Nhà đầu tư ngừng hoạt động của dự án đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp ngừng hoạt động của dự án đầu tư vì lý do bất khả kháng thì nhà đầu tư được Nhà nước miễn tiền thuê đất, giảm tiền sử dụng đất trong thời gian ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do bất khả kháng gây ra.
- Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
+ Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2001;
+ Để khắc phục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường;
+ Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động;
+ Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài;
+ Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
- Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng, ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Thủ tục ngừng hoạt động của dự án đầu tư xây dựng
Cụ thể tại Điều 56 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục ngừng hoạt động của dự án đầu tư được thực hiện như sau:
- Tổng thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư không quá 12 tháng. Trường hợp ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo bản án, quyết định của tòa án, phán quyết có hiệu lực của trọng tài hoặc theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thì thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư được xác định theo bản án, quyết định của tòa án, phán quyết trọng tài hoặc theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư.
- Trường hợp các văn bản này không xác định thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư thì tổng thời gian ngừng không quá thời gian quy định tại khoản này.
- Việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư thực hiện theo thủ tục sau:
+ Trường hợp tự quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư gửi thông báo cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định. Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận và thông báo việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư cho các cơ quan liên quan;
+ Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư thì cơ quan đó căn cứ ý kiến của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư 2020 để quyết định ngừng toàn bộ hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư và thông báo cho các cơ quan liên quan và nhà đầu tư.
+ Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền về các lĩnh vực quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư 2020 lập biên bản trước khi quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư.
+ Đối với việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo bản án, quyết định của tòa án, phán quyết của trọng tài, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư căn cứ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án, phán quyết có hiệu lực pháp luật của trọng tài để quyết định ngừng toàn bộ hoặc ngừng một phần của dự án đầu tư.
+ Đối với dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
+ Thông báo gồm các nội dung sau: nhà đầu tư thực hiện dự án; mục tiêu, địa điểm, nội dung dự án, quá trình thực hiện dự án; đánh giá tác động hoặc nguy cơ ảnh hưởng của dự án đối với quốc phòng, an ninh quốc gia; kiến nghị về việc ngừng toàn bộ hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư.
+ Căn cứ đề nghị của UBND cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng toàn bộ hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư.
Như vậy, dự án đầu tư xây dựng sẽ bị ngừng hoạt động đầu tư nếu vi phạm đến di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc để khắc phục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động. Dừng dự án theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài; nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.