Trong thời gian biệt phái viên chức, đơn vị tiếp nhận có quyền tiếp tục biệt phái viên chức?

Chủ đề   RSS   
  • #606569 03/11/2023

    Trong thời gian biệt phái viên chức, đơn vị tiếp nhận có quyền tiếp tục biệt phái viên chức?

    Biệt phái viên chức là gì? Việc biệt phái viên chức được thực hiện trong các trường hợp nào? Quyền lợi, nghĩa vụ của viên chức khi biệt phái? Quy trình biệt phái viên chức? Trong thời gian biệt phái viên chức, đơn vị tiếp nhận có quyền tiếp tục biệt phái viên chức?

    Biệt phái viên chức là gì?

    Theo  Luật Viên chức 2010 và  Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.

     Việc biệt phái viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

    - Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;

    - Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.

    Quyền lợi, nghĩa vụ của viên chức khi biệt phái?

    Theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Viên chức biệt phái được hưởng các quyền lợi sau:

    -Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.

    - Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

    - Hết thời hạn biệt phái,viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.

    Nghĩa vụ Viên chức biệt phái:

    Viên chức được cử biệt phái chịu sự phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái.

    Quy trình biệt phái viên chức?

    Theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Quy trình biệt phái viên chức thực hiện như sau:

    - Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.

    - Trước khi quyết định biệt phái viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp quản lý viên chức cần gặp gỡ viên chức nêu rõ mục đích, sự cần thiết của việc biệt phái để nghe viên chức đề xuất ý kiến trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    Thời hạn biệt phái: không quá 03 năm. Đối với ngành, lĩnh vực đặc thù, thời hạn biệt phái thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

    Trong thời gian biệt phái viên chức, đơn vị tiếp nhận có quyền tiếp tục biệt phái viên chức?

    Theo các quy định nêu trên, pháp luật không quy định về việc cấm nơi được cử đến biệt phái tiếp tục cử viên chức biệt phái đến nơi khác.

    Tuy nhiên, Viên chức được cử biệt phái có nghĩa vụ chịu sự phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái.

    Mặt khác, Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức. Nghĩa là vấn đề tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức biệt phái vẫn thuộc trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái.

    Việc bên tiếp nhận viên chức biệt phái thực hiện biệt phái viên chức này đến nơi khác là không phù hợp theo quy định pháp luật.

     
    323 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận