Trồng gai dầu (cùng họ với cần sa) có vi phạm pháp luật không?

Chủ đề   RSS   
  • #609906 26/03/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần
    SMod

    Trồng gai dầu (cùng họ với cần sa) có vi phạm pháp luật không?

    Cây gai dầu là một cây có giá trị kinh tế cao, có thể ứng dụng cho nhiều ngành công nghiệp. Tuy nhiên, loài cây này lại cùng họ với cần sa (loại cây bị cấm trồng tại Việt Nam vì chứa chất ma tuý). Như vậy, trồng cây gai dầu có vi phạm pháp luật không?

    Cây gai dầu là gì?

    Tên gọi

    Cây gai dầu còn gọi là hỏa ma, gai mèo, lanh mán, lanh mèo, đại ma, cần sa (y tế), sơn ty miêu, ko phai meo (Thái), khan sau (Lào), khanh cha (Campuchia). Tên khoa học là Cannabis sativa L.

    Đây là loại cây thuộc họ Gai mèo Cannabinaceae.

    Hình dạng

    Gai dầu là một loại cây thảo khác gốc, sống hằng năm. Phần thân thẳng đứng cao từ 1 – 2m, có thể phân ít hay nhiều nhánh. Tất cả các bộ phận của cây đều được phủ ngoài bởi một lớp lông mịn.

    Lá cây mọc cách, có cuống và có lá kèm. Những lá ở phía dưới chia thùy đến tận phần cuống, phiến thùy có hình mác nhọn và mép có răng cưa. Lá phía trên có thể đơn cũng có trường hợp chia 3 thùy. Cây đực thường sẽ gầy và mảnh hơn cây cái.

    Hoa cái thường mọc thành xim và xen lẫn với các lá bắc, đài hoa cái có hình mo, bọc lấy phần bầu hình cầu. Hai bầu nhụy có hình chỉ đính ở gốc bầu và dài hơn bầu nhiều. Mỗi hoa cái sẽ có 1 noãn ngược. Còn hoa đực thì sẽ mọc thành chùy với 5 cánh dài cùng 5 nhị.

    Quả bế hình trứng với chiều dài khoảng 2,5 – 3,3mm, đường kính khoảng 2,5 – 3mm, nhẵn và có màu xám nhạt. Hạt có chứa dầu.

    Công dụng

    Cây gai dầu có thành phần chủ yếu là Cannabidiol (CBD), chất Delta-9- Tetrahydrocannabinol (THC) là chất ma túy được quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP, tuy nhiên chất này trong cây gai dầu thường có hàm lượng thấp, dưới 0,3%.

    Gai dầu có nhiều công dụng như có thể ứng dụng trong dệt vải, ép dầu (với giá trị ngang với dầu oliu), làm các sản phẩm thủ công, làm phân bón, chất đốt,... 

    Trồng gai dầu có vi phạm pháp luật không?

    Theo Khoản 6 Điều 2 Luật Phòng chống ma túy 2021 quy định thì cây có chứa chất ma túy là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.

    Như đã phân tích, gai dầu có chứa hàm lượng chất Delta-9- Tetrahydrocannabinol (THC) dưới 0,3%. Tuy nhiên, loại chất này theo danh mục IB Nghị định 57/2022/NĐ-CP - Các chất và muối, đồng phân có thể tồn tại của các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

    Như vậy, theo quy định hiện nay việc trồng gai dầu là trồng cây khác có chứa chất ma tuý và sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ có thể trồng loại cây này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền mới không phải là vi phạm pháp luật.

    Xử lý hành chính

    Theo Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau:

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

    - Hình thức xử phạt bổ sung:

    + Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

    + Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

    Như vậy, hành vi trồng cây chứa chất ma túy có thể xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng.

    Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính này.

    Trách nhiệm hình sự

    Theo Điều 247 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

    - Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    + Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

    + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    + Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    + Có tổ chức;

    + Với số lượng 3.000 cây trở lên;

    + Tái phạm nguy hiểm.

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    - Người nào phạm tội ở khung 06 tháng đến 03 năm nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

    Như vậy, người trồng cây dai dầu trái phép ngoài xử phạt hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Các hoạt động liên quan đến ma tuý không vi phạm pháp luật

    Theo Điều 12 Luật Phòng, chống ma tuý 2021 quy định hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là hoạt động được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép, bao gồm:

    - Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất chất ma túy (không bao gồm trồng cây có chứa chất ma túy), tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;

    - Vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;

    - Nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

    Như vậy, vẫn có trường hợp được sử phân phối, sử dụng chất ma tuý mà không phạm pháp, tuy nhiên phải là những trường hợp mà pháp luật cho phép đã nêu trên. Đồng thời, hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được kiểm soát chặt chẽ theo quy định pháp luật.

     
    1445 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận