Trộm nhầm vàng giả - Ảnh minh họa
A chưa có tiền án tiền sự, biết hàng xóm vừa đem về nhà 1kg vàng, hắn ta lên kế hoạch để trộm số vàng đó, nhưng sau khi trộm thì biết được lượng vàng này không phải là thật mà chỉ là đồ giả và giá trị chưa tới 1 triệu đồng. Như vậy khi bị bắt, liệu A chỉ bị xử phạt hành chính hay còn phải chịu trách nhiệm gì khác?
Xác định tội danh
Tội trộm cắp tài sản là tội phạm cấu thành vật chất.
Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm mà các dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Trong trường hợp này, hành vi đã có (hành vi trộm cắp), mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đã có (việc trộm cắp khiến hàng xóm bị thiệt hại tài sản), nhưng hậu quả của hành vi phải nằm trong quy định của luật để có thể định tội.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 173 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
"1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật."
Như đã phân tích, A chưa có tiền án tiền sự, giả sử tài sản đó cũng không phải cổ vật, không phải phương tiện kiếm sống chính, hành vi này cũng không gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội (thực tế chưa có văn bản hướng dẫn về tiêu chí "Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội") thì xác định giá trị tài sản là hậu quả của hành vi này ra sao?
Xác định hậu quả - định khung hình phạt
Theo hướng dẫn tại Mục 2 Phần II Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, việc xác định giá của tài sản bị trộm như sau:
“2. Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm.”
Ở đây, chúng ta thấy A đã tìm hiểu, xác định giá trị của tài sản (ứng với 1kg vàng thật) rồi lên kế hoạch để chiếm đoạt số lượng vàng mà mình đã xác định trong đầu và đã thực hiện hành vi trộm cắp, chính vì vậy không thể nói A chỉ có ý định trộm một món đồ giả trị giá dưới 1 triệu đồng.
Khi tiến hành điều tra, xét xử, lúc này giá trị tài sản mà A trộm cắp sẽ được xem xét bằng với giá trị của 1kg vàng thật chứ không phải xác định theo giá trị tài sản A thực tế trộm được (là vàng giả giá trị dưới 1 triệu đồng)
Nếu hành vi của A xảy ra ở thời điểm hiện tại, giá vàng thật vào khoảng hơn 50 triệu đồng 1 lượng và 1 kg vàng tương ứng gần 26,7 lượng, như vậy A sẽ bị xử phạt với giá trị tài sản trộm cắp hơn 1 tỷ 300 triệu đồng. Chiếu theo Khoản 4 Điều 173 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội Trộm cắp tài sản:
“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”
Như vậy, thực hiện hành vi trên, A có thể phải đối diện án phạt tối đa 20 năm tù giam.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 30/10/2020 03:01:46 CH