Hai công ty khác nhau trong cùng tập đoàn tức là 2 chủ thể kinh doanh độc lập, là 2 người sử dụng lao động khác nhau. Do đó, khi người lao động chuyển đến công ty kia thì người lao động phải giao kết hợp đồng lao động với công ty đó và chấm dứt hợp đồng lao động với công ty mình (trừ trường hợp người lao động làm việc ở 2 nơi).
Do đó, nếu công ty có ra quyết định chấm dứt hợp đồng với người lao động thì phải trợ cấp thôi việc.
Điều kiện, mức trợ cấp thôi việc được quy định tại Điều 46 Bộ luật lao động 2019:
"Điều 46. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Xem thêm quy định về thời gian làm việc thực tế để tính trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.