Về trường hợp của bạn thì hai trường hợp trên theo như mình tìm hiểu có sự khác biệt nhau trong quá trình áp dụng quy định pháp luật. Trước tiên phải xác định đối tượng áp dụng của Nghị định 116/2010/NĐ-CP. Cụ thể, theo quy định tại Điều 2 Nghị định 116/2010/NĐ-CP có nêu:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm:
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, kể cả người tập sự, thử việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn;
2. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật và người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, kể cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong quân đội nhân dân và công an nhân dân;
3. Các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này công tác ở các xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ được áp dụng chính sách quy định tại Nghị định này.
Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này bao gồm người đang công tác và người đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị định là công chức, viên chức bao gồm cả người đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Nên khi có sự điều chuyển công tác sẽ căn cứ vào điều kiện hưởng trợ cấp để xác định có được hưởng hay không. Tại Điều 6 của Nghị định có nêu:
Điều 6. Trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng
Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam được hưởng trợ cấp như sau:...
Quan điểm của mình về vấn đề này thì việc xác định trợ cấp dựa vào việc chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chứ không xác định theo cơ quan làm việc. Do đó, trong trường hợp 1, hiệu trưởng chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khác nên sẽ được hưởng trợ cấp. Trong trường hợp hai, viên chức đó thay đổi cơ quan nhưng trong cùng một vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên sẽ không được hưởng lại.
Trên đây là quan điểm của mình về trường hợp của bạn dựa trên phân tích quy định pháp luật của bản thân. Nếu để chắc chắn, bạn có thể liên hệ đơn vị có thẩm quyền để được trao đổi và giải đáp thắc mắc một cách chính xác nhất.