Được biết sau khi mua đất thì phải thực hiện đăng ký biến động đất đai. Vậy cần thực hiện trong khoảng thời gian nào, nếu lố ngày thì bị xử phạt như thế nào, trình tự thủ tục chi tiết.
Thời hạn đăng ký biến động đất đai
Theo Khoản 4 và Khoản 6 Điều 95 Luật đất đai 2013 quy định về đăng ký biến động đất đai như sau:
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động.
=> Theo đó, khi đi mua nhà, tức thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thuộc trường hợp phải đăng ký biến động và thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu chuyển nhượng.
Xử phạt hành vi chậm đăng ký biến động đất đai
Hành vi chậm đăng ký biến động đất đai đai bị xử phạt theo Khoản 2, 3, 4 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP với hình thức phạt là phạt tiền.
- Chậm đăng ký trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đối với đất khu vực nông thôn: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
- Chậm đăng ký quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đối với đất khu vực nông thôn: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người đang sử dụng đất trong các trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
Tùy thuộc vào thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ, khu vực, đối tượng vi phạm để có mức xử phạt tương ứng. Mức phạt tiền tại Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân, đối với tổ chức có vi phạm chậm đăng ký đất đai thì mức phạt gấp 02 lần mức phạt của cá nhân.
Theo đó,
Đối với cá nhân:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi chậm đăng ký trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đối với đất khu vực nông thôn;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi chậm đăng ký quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đối với đất khu vực nông thôn;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng khi chậm đăng ký trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đối với đất khu vực đô thị;
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi chậm đăng ký quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đối với đất khu vực đô thị.
Đối với tổ chức:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng khi chậm đăng ký trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đối với đất khu vực nông thôn;
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi chậm đăng ký quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đối với đất khu vực nông thôn;
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng khi chậm đăng ký trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đối với đất khu vực đô thị;
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi chậm đăng ký quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đối với đất khu vực đô thị.
Trình tự xử lý vi phạm chậm đăng ký biến động
Bước 1:
Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Việc buộc chấm dứt được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật tại Điều 55 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Bước 2:
Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục. Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Biên bản về vi phạm hành chính theo hướng dẫn tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020; Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.
Bước 3:
Tiến hành xác minh tình tiết vụ việc vi phạm. Trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết vụ việc vi phạm hành chính theo Điều 59 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Bước 4:
Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính, đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 1 tháng.
Bước 5:
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành theo hướng dẫn tại Điều 70 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Bước 6:
Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt theo hướng dẫn tại Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Tổ chức Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định theo Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Như vậy, thời hạn phải đăng ký biến động là 30 ngày kể từ ngày có biến động. Nếu sau thời gian này mới thực hiện thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tùy thuộc vào thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ, khu vực, đối tượng vi phạm để có mức xử phạt tương ứng.