Trình tự, thủ tục tổ chức hiệp thương giá

Chủ đề   RSS   
  • #614075 15/07/2024

    lamint

    Sơ sinh

    Vietnam --> Lâm Đồng
    Tham gia:05/12/2023
    Tổng số bài viết (91)
    Số điểm: 455
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Trình tự, thủ tục tổ chức hiệp thương giá

    Ngày 10/07/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giá. Theo đó, Nghị định quy định chi tiết Trình tự, thủ tục tổ chức hiệp thương giá theo quy định tại Điều 27 Luật Giá 2023.

    Hiệp thương giá là gì?

    Căn cứ khoản 13 Điều 4 Luật Giá 2023 quy định Hiệp thương giá là phương thức thỏa thuận giữa các tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ và có vai trò trung gian của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.

    Trình tự, thủ tục tổ chức hiệp thương giá

    Căn cứ Điều 13 Nghị định 85/2024/NĐ-CP quy định Trình tự, thủ tục tổ chức hiệp thương giá như sau:

    1. Trước khi hiệp thương giá

    - Bên mua và bên bán mỗi bên gửi 01 bản chính văn bản đề nghị hiệp thương giá trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc dịch vụ công trực tuyến nếu có đến cơ quan hiệp thương giá bao gồm các nội dung về: tên hàng hóa, dịch vụ; quy cách, phẩm chất; số lượng; mức giá đề nghị; thời điểm thi hành mức giá; điều kiện thanh toán của hàng hóa, dịch vụ kèm theo giải trình thuyết minh hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 25 Luật Giá và phù hợp với phạm vi quản lý của cơ quan hiệp thương giá quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật Giá. Văn bản đề nghị hiệp thương giá thực hiện theo Mẫu số 01 Phụ lục IV Nghị định 85/2024/NĐ-CP.

    - Cơ quan hiệp thương giá tổ chức rà soát văn bản đề nghị hiệp thương giá trong thời gian tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hiệp thương giá (tính theo dấu công văn đến hoặc qua dịch vụ công trực tuyến);

    Trường hợp văn bản đề nghị hiệp thương giá đúng quy định, cơ quan hiệp thương giá thông báo kế hoạch tổ chức hiệp thương giá, yêu cầu bên mua và bên bán cử người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật) tham gia hội nghị hiệp thương giá;

    Trường hợp văn bản đề nghị hiệp thương giá không đúng quy định, cơ quan hiệp thương giá có văn bản đề nghị các bên bổ sung thông tin về hàng hóa, dịch vụ. Thời hạn để các bên bổ sung thông tin tối đa 15 ngày làm việc (tính theo dấu công văn đến hoặc qua dịch vụ công trực tuyến);

    - Trong thời gian tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hiệp thương giá đủ điều kiện theo quy định (tính theo dấu công văn đến hoặc qua dịch vụ công trực tuyến), cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá tiến hành hiệp thương giá;

    - Bên mua và bên bán có quyền rút lại văn bản đề nghị hiệp thương giá để tự thỏa thuận về mức giá mua, giá bán của hàng hóa, dịch vụ trước khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá.

    2. Tại Hội nghị hiệp thương giá:

    - Thành phần tham gia hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ bao gồm: cơ quan hiệp thương giá theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật Giá; người đại diện theo pháp luật của bên mua (hoặc người được ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của bên mua) và người đại diện theo pháp luật của bên bán (hoặc người được ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của bên bán);

    - Cơ quan hiệp thương giá trình bày nội dung hiệp thương giá; giá mua, giá bán đề nghị của bên mua và bên bán để bên mua và bên bán thương lượng về mức giá;

    - Trường hợp bên mua và bên bán thỏa thuận được với nhau về mức giá thì cơ quan hiệp thương giá lập biên bản theo Mẫu số 02 Phụ lục IV Nghị định 85/2024/NĐ-CP, có chữ ký của đại diện các bên tham gia hiệp thương theo quy định tại điểm a khoản này để ghi nhận kết quả hiệp thương giá. Bên mua và bên bán thực hiện mức giá hiệp thương theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật Giá;

    - Trường hợp bên mua và bên bán không thỏa thuận được mức giá và không tiếp tục đề nghị cơ quan hiệp thương giá xác định mức giá thì cơ quan hiệp thương giá lập biên bản xác nhận theo Mẫu số 02 Phụ lục IV Nghị định 85/2024/NĐ-CP, có chữ ký của đại diện các bên tham gia hiệp thương giá theo quy định tại điểm a khoản này;

    - Trường hợp bên mua và bên bán không thỏa thuận được mức giá và tiếp tục đề nghị cơ quan hiệp thương giá xác định mức giá để hai bên thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật Giá thì cơ quan hiệp thương giá lập biên bản xác nhận theo Mẫu số 02 Phụ lục IV Nghị định 85/2024/NĐ-CP, có chữ ký của đại diện các bên tham gia hiệp thương giá theo quy định tại điểm a khoản này.

    3. Cơ quan hiệp thương giá tổ chức xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật Giá theo phương pháp định giá quy định tại Điều 23 của Luật Giá hoặc theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam quy định tại Điều 42 của Luật Giá. Trường hợp cần thuê tổ chức tư vấn xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ, cơ quan hiệp thương giá có văn bản thông báo cho bên mua và bên bán để tiến hành các thủ tục thuê tổ chức tư vấn xác định mức giá theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 85/2024/NĐ-CP. Chi phí thuê tổ chức tư vấn xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ do bên mua và bên bán đồng chi trả.

    4. Việc thuê tổ chức tư vấn xác định mức giá được thực hiện như sau:

    - Bên mua và bên bán trực tiếp ký kết hợp đồng với tổ chức tư vấn và thanh toán chi phí thực hiện dịch vụ cho tổ chức tư vấn theo mức và thời hạn mà tổ chức đó yêu cầu;

    - Việc lựa chọn tổ chức tư vấn xác định mức giá do bên mua và bên bán tự thỏa thuận quyết định;

    Trường hợp bên mua và bên bán không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức tư vấn xác định mức giá thì có thể yêu cầu cơ quan hiệp thương giá lựa chọn. Cơ quan hiệp thương giá sau khi lựa chọn được tổ chức tư vấn xác định mức giá thì thông báo cho bên mua và bên bán để bên mua và bên bán trực tiếp tiến hành các thủ tục ký kết hợp đồng tư vấn theo quy định tại điểm a khoản này;

    - Ngay sau khi có kết quả xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ, tổ chức tư vấn phải gửi kết quả cho cơ quan hiệp thương giá, đồng thời gửi cho bên mua và bên bán.

    5. Bên bán có trách nhiệm cung cấp phương án giá bán đề xuất và các thông tin cần thiết khác gửi cho cơ quan hiệp thương giá để phục vụ tổ chức xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 85/2024/NĐ-CP như sau:

    - Tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu, cung cầu của hàng hóa, dịch vụ;

    - Mức giá đề nghị bán; phân tích mức giá đề nghị bán: so sánh với giá hàng hóa, dịch vụ tương tự trên thị trường; các căn cứ tính giá; lập bảng chi tiết các yếu tố hình thành giá, phân tích thuyết minh cơ cấu tính giá (có phân tích, so sánh với các yếu tố hình thành giá trước khi đề nghị hiệp thương giá; nêu rõ nguyên nhân tăng, giảm); phân tích tác động của mức giá đề nghị bán đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp và việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước;

    - Những vấn đề mà bên bán chưa thống nhất được với bên mua, lập luận của bên bán về những vấn đề chưa thống nhất;

    - Các thông tin khác có liên quan cần bổ sung theo yêu cầu của cơ quan hiệp thương giá.

    6. Bên mua có trách nhiệm cung cấp phương án giá mua đề xuất và các thông tin cần thiết khác gửi cho cơ quan hiệp thương giá để phục vụ tổ chức xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 85/2024/NĐ-CP như sau:

    - Mức giá đề nghị mua;

    - So sánh với giá hàng hóa, dịch vụ tương tự trên thị trường;

    - Phân tích tác động của mức giá đề nghị mua đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, khả năng chấp nhận của người tiêu dùng;

    - Những vấn đề mà bên mua chưa thống nhất với bên bán, lập luận của bên mua về những vấn đề chưa thống nhất;

    - Các thông tin khác có liên quan cần bổ sung theo yêu cầu của cơ quan hiệp thương giá.

    7. Cơ quan hiệp thương giá có quyền từ chối xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ nếu không đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành xác định mức giá quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 13 Nghị định 85/2024/NĐ-CP; các tài liệu cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để xác định mức giá.

    Trên đây là trình tự, thủ tục tổ chức hiệp thương giá. Nghị định 85/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/07/2024.

     
    61 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận