Động vật rừng bao gồm cá thể động vật rừng còn sống hoặc đã chết, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ ban hành, các Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và động vật rừng loài thông thường.
Và hiện nay trong công tác bảo vệ động vật rừng thì việc thả động vật về tự nhiên đối với động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước được căn cứ tại Điều 11 Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNN như sau:
Đối tượng, điều kiện để thả động vật về tự nhiên
- Đối tượng: Cá thể động vật rừng còn sống, khỏe mạnh.
- Điều kiện:
+ Xác định được nơi cư trú tự nhiên của loài động vật đó;
+ Có xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc của cơ sở cứu hộ động vật do Nhà nước quản lý về việc động vật rừng khỏe mạnh tại biên bản xác nhận tình trạng sức khỏe của động vật rừng theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNN;
+ Đối với động vật rừng có nguy cơ gây nguy hiểm cho người thì phải có biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn sau khi thả;
+ Trường hợp cơ quan, đơn vị thả không phải là chủ rừng nơi dự kiến thả thì phải có cam kết đồng ý của chủ rừng nơi dự kiến thả theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNN.
Trình tự thả động vật về tự nhiên
- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý động vật rừng ban hành quyết định thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên;
- Thành phần tham gia thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên: Cơ quan, đơn vị chủ trì thả động vật rừng, cơ quan Kiểm lâm sở tại, chủ rừng. Cơ quan, đơn vị chủ trì có thể mời người chứng kiến, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong trường hợp động vật rừng là vật chứng, chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông, các bên có liên quan tham gia;
- Cơ quan, đơn vị chủ trì thả lập biên bản thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNN.
Ngoài ra trước khi thực hiện thủ tục thả động vật rừng thì khi tiếp nhận động vật rừng do người dân tự nguyện nộp thì đơn vị tiếp nhận phải có trách nhiệm theo Điều 9 Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNN như sau:
- Trường hợp vườn quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNN tiếp nhận động vật rừng tự nguyện giao nộp Nhà nước: Đơn vị tiếp nhận thực hiện các thủ tục về xác lập quyền sở hữu toàn dân, lập và trình Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phê duyệt phương án xử lý tài sản là động vật rừng tự nguyện giao nộp Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
- Trường hợp cơ quan Kiểm lâm cấp huyện hoặc cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNN tiếp nhận động vật rừng tự nguyện giao nộp Nhà nước thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm: Ngay sau khi tiếp nhận thông báo bằng văn bản, kèm theo biên bản giao nhận cho cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh để thực hiện các thủ tục về xác lập quyền sở hữu toàn dân, lập và phê duyệt phương án xử lý tài sản là động vật rừng tự nguyện giao nộp Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
- Trường hợp cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNN tiếp nhận động vật rừng tự nguyện giao nộp Nhà nước thuộc loài thông thường: Cơ quan, đơn vị tiếp nhận thực hiện các thủ tục về xác lập quyền sở hữu toàn dân, lập và phê duyệt phương án xử lý tài sản là động vật rừng tự nguyện giao nộp Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
=>> Như vậy trình tự thủ tục thực hiện thả động vật về tự nhiên đối với động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp được thực hiện theo các bước nêu trên.