Trình tự bầu Chủ tịch Quốc hội như thế nào? Nội dung trong Lễ tuyên thệ gồm những gì?

Chủ đề   RSS   
  • #611721 20/05/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 28222
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 595 lần
    SMod

    Trình tự bầu Chủ tịch Quốc hội như thế nào? Nội dung trong Lễ tuyên thệ gồm những gì?

    Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Vậy trình tự bầu Chủ tịch Quốc hội như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    (1) Trình tự bầu Chủ tịch Quốc hội như thế nào?

    Căn cứ theo Khoản 3 Điều 32 Nghị quyết 71/2022/QH15 có quy định tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự như sau:

    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    - Bên cạnh danh sách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước đề nghị, đại biểu Quốc hội còn có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh này. Người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

    - Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội khóa trước có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước sẽ báo cáo cho Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử (nếu có).

    - Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    - Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

    - Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

    - Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết.

    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    - Quốc hội thảo luận.

    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.

    - Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.

    - Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ.

    Cạnh đó, quy định này cũng nêu rõ, tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự như đã nêu trên.

    (2) Kết quả biểu quyết được thực hiện theo nguyên tắc như thế nào?

    Căn cứ theo Khoản 3 Điều 29 Nghị quyết 71/2022/QH15 có quy định Ban kiểm phiếu sẽ xác định kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín theo nguyên tắc như sau:

    - Trường hợp biểu quyết bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước, người được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu Quốc hội và được nhiều phiếu tán thành hơn thì trúng cử. 

    Trường hợp nếu cùng bầu 01 chức danh mà nhiều người được số phiếu tán thành ngang nhau và đạt quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu Quốc hội thì Quốc hội biểu quyết lại việc bầu chức danh này trong số những người được số phiếu hợp lệ tán thành ngang nhau. Trong số những người được đưa ra biểu quyết lại, người được số phiếu tán thành nhiều hơn là người trúng cử, nếu biểu quyết lại mà nhiều người vẫn được số phiếu tán thành ngang nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

    - Trường hợp là phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước thì phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

    - Trường hợp cho thôi làm nhiệm vụ, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. 

    Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

    Như vậy, kết quả biểu quyết sẽ được thực hiện theo nguyên tắc như đã nêu trên.

    (3) Lễ tuyên thệ được tổ chức như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 31 Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định về Lễ tuyên thệ như sau:

    Về nội dung tuyên thệ:

    Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

    Ngoài nội dung nêu trên, người tuyên thệ sẽ quyết định nội dung tuyên thệ sao cho phù hợp với trách nhiệm được giao.

    Về vị trí tuyên thệ: Là vị trí trang trong của lễ đài. Đại biểu Quốc hội, người được mời tham dự, dự thính tại phiên họp phải đứng trang nghiêm chứng kiến Lễ tuyên thệ.

    Về trình tự của Lễ tuyên thệ:

    - Quân nhạc cử nhạc nghi lễ và đội tiêu binh vào vị trí.

    - Người tuyên thệ chào Quốc kỳ, tiến vào vị trí tuyên thệ và tiến hành tuyên thệ.

    - Sau khi tuyên thệ, người tuyên thệ phát biểu nhậm chức.

    Như vậy, Lễ tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ được tổ chức theo quy định như đã nêu trên.

     
    236 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận