Trích lục bản đồ địa chính có được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khi khai nhận di sản?

Chủ đề   RSS   
  • #613915 10/07/2024

    Trích lục bản đồ địa chính có được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khi khai nhận di sản?

    Khi khai nhận di sản thừa kế trích lục bản đồ địa chính có được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất không?

    Khai nhận di sản thừa kế là gì? Khai nhận di sản thừa kế ở đâu? 

    Căn cứ Điều 58 Luật Công chứng 2014 quy định công chứng văn bản khai nhận di sản như sau: 

    - Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

    - Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật Công chứng 2014.

    - Chính phủ quy định chi tiết thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản.

    Theo đó pháp luật hiện hành hiện không quy định cụ thể là khái niệm khai nhận di sản thừa kế. Tuy nhiên có thể hiểu khai nhận di sản thừa kế là quy trình để thiết lập quyền sở hữu tài sản đối với di sản thừa kế của người kế thừa trong trường hợp có di chúc hoặc theo quy định pháp luật tại thời điểm người để lại qua đời.

    Sau khi thừa kế được mở, việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ người đã qua đời sang người thừa kế được thực hiện thông qua hai quy trình: khai nhận di sản và thỏa thuận phân chia di sản.

    Đồng thời việc khai nhận di sản thừa kế sẽ thực hiện tại văn phòng công chứng nơi cư trú cuối cùng của người có di sản, nơi cư trú cuối cùng có thể là nơi người chết có hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú có thời hạn của người đã chết. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì nơi khai nhận di sản thừa kế sẽ xác định là văn phòng công chứng nơi có toàn bộ hoặc nơi có nhiều di sản thừa kế nhất.

    Bản trích lục bản đồ địa chính có được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khi khai nhận di sản thừa kế không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Công Chứng 2014 quy định công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản như sau: 

    -  Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

    Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

    Đồng thời tại khoản 2 Điều 58 Luật Công Chứng 2014 quy định việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật Công Chứng 2014 

    => Theo đó để khai nhận di sản phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

    Ngoài ra căn cứ tại  Phụ lục số 13 ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính thì trích lục bản đồ địa chính chứa những thông tin về thửa đất, gồm:

    - Số thứ tự thửa đất, tờ bản đồ, địa chỉ thửa đất (xã, huyện, tỉnh);

    - Diện tích thửa đất;

    - Mục đích sử dụng đất;

    -  Tên người sử dụng đất và địa chỉ thường trú;

    - Các thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất;

    - Bản vẽ thửa đất gồm: Sơ đồ thửa đất, chiều dài cạnh thửa.

    Theo đó có thể hiểu trích lục bản đồ địa chính là sao y bản chính của một hay nhiều thửa đất trên bản đồ địa chính nhằm xác thực thông tin thửa đất.  Về bản chất trích lục đất đai chính không được coi là một văn bản pháp lý để chứng minh quyền sử dụng đất mà chỉ là cơ sở cung cấp các thông tin, đặc điểm về một thửa đất hoặc một khu vực đất nhất định.

    => Do đó khi làm thủ tục khai nhận di sản phải cung cấp giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và bản trích lục bản đồ địa chính không được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khi khai nhận di sản thừa kế.

     
     
    201 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn duongdaothithuy12 vì bài viết hữu ích
    admin (14/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận