Trong những ngày lễ, nhiều người kinh doanh có hành vi tranh giành hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa. Vậy hành vi đó có bị xử phạt không? Mức xử phạt hành vi tranh giành hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa như thế nào?
(1) Tranh giành khách du lịch có vi phạm pháp luật không?
Theo Điều 9 Luật Du lịch 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch như sau:
- Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật.
- Xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch.
- Phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.
- Kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh.
- Hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề.
- Quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật khác có liên quan.
Như vậy, hành vi phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Những người kinh doanh thực hiện hành vi kể trên là vi phạm pháp luật.
(2) Tranh giành hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa bị phạt thế nào?
Theo Điều 6 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định chung về hoạt động kinh doanh du lịch như sau:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có nhân lực hoặc cơ sở vật chất để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi giải quyết không kịp thời kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý khi nhận được kiến nghị, phản ánh.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ;
+ Phân biệt đối xử với khách du lịch;
+ Không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch;
+ Không giải quyết kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý;
+ Thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch;
+ Không thông báo, chỉ dẫn cho khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người nào có hành vi tranh giành hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa có thể bị xử phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Khách du lịch khi gặp các trường hợp bị phân biệt đối xử, nài ép mua hàng hóa, dịch vụ báo ngay cho các cơ quan chức năng, UBND xã để được giải quyết và xử lý.