Tranh chấp hợp đồng thanh toán thẻ

Chủ đề   RSS   
  • #263634 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Tranh chấp hợp đồng thanh toán thẻ

    Số hiệu

    196/2006/KDTM-PT

    Tiêu đề

    Tranh chấp hợp đồng thanh toán thẻ

    Ngày ban hành

    09/10/2006

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

    ------------------

    Bản án số:196/2006/KDTM-PT

    Ngày 09/10/2006

    V/v tranh chấp hợp đồng thanh toán thẻ.

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------HA.7

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA PHÚC THẨM

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Nguyễn Đức Nhận;

    Các Thẩm phán: Ông Hà Tiến Triển;

    Ông Cù Đình Thắng.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Hoàng Thị Bích Hải, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

    Ngày 09 tháng 10 năm 2006, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số26/2006/KDTM-PT ngày 27 tháng 6 năm 2006 về tranh chấp hợp đồng thanh toán thẻ theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số2791/2006/XXPT-QĐ giữa các đương sự:

    Nguyên đơnNgân hàng ngoại thương Việt Nam; có trụ sở tại 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội; do bà Thái Thị Thu Hằng sinh năm 1974 là người đại diện được ủy quyền ngày 22.12.2003; có mặt.

    Bị đơnBà Nguyễn Ánh Nguyệt, sinh năm 1970; trú tại số 67 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; kinh doanh tại số 82 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội; có mặt.

    Có luật sư Nguyễn Phương Nam, Văn phòng luật sư số 10, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn; có mặt.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:bà Nguyễn Thị Bích Hạnh; trú tại số 167 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội; vắng mặt.

    NHẬN THẤY

    Ngày 18/11/1999, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam do bà Bùi Thị Cúc (Trưởng phòng thẻ-Sở giao dịch) đại diện đã ký hợp đồng chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế với cửa hàng vàng bạc Thanh Ngân do bà Nguyễn Ánh Nguyệt đại diện với nội dung chính của hợp đồng là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chấp nhận cửa hàng vàng bạc Thanh Ngân là đơn vị chấp nhận thẻ. Cơ sở chấp nhận thẻ đồng ý tham gia hệ thống thanh toán thẻ quốc tế của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam theo bản điều khoản và điều kiện về chấp nhận thẻ tín dụng quốc tế của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký 18/11/1999. Kèm hợp đồng là bản các điều khoản và điều kiện chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng quốc tế có ký kết của hai bên.

    Ngày 25/11/2002, hai bên lại ký kết hợp đồng chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế vì lúc này Ngân hàng đã có máy kiểm tra thẻ tự động, các phương tiện truyền dữ liệu trên máy hiện đại hơn.

    Trong nội dung của hợp đồng có Điều 5.1 quy định về điều khoản thanh toán, nộp chứng từ đối với các giao dịch thẻ qua máy tự động (EDC) thì đơn vị chấp nhận thẻ phải thực hiện truyền ngay giữ liệu thanh toán về Ngân hàng trong ngày giao dịch, đơn vị chấp nhận thẻ phải nộp lại hóa đơn cho Ngân hàng trong vòng 5 ngày kể từ ngày truyền dữ liệu giao dịch (ngày làm việc).

    Phí thanh toán: đơn vị chấp nhận thẻ đồng ý trả cho Ngân hàng một khoản phí tính trên giá trị giao dịch thẻ là 3,6%.

    Có quy định Ngân hàng thanh toán tạm ứng cho đơn vị chấp nhận thẻ tổng giá trị của các hóa đơn sau khi trừ đi tỷ lệ phí 3,6% của hợp đồng đã quy định. Kèm theo hợp đồng có bản điều khoản điều kiện kèm theo quy định thời hạn cung cấp chứng từ để giải quyết tra soát khiếu nại là 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tra soát của Ngân hàng, sau thời hạn này nếu đơn vị chấp nhận thẻ không cung cấp được chứng từ theo yêu cầu của Ngân hàng thì Ngân hàng có toàn quyền truy đòi số tiền liên quan đến giao dịch đã tạm ứng cho đơn vị chấp nhận thẻ và các chi phí phát sinh.

    Tại Điều 1.8 của bản điều khoản và điều kiện chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế quy định: Đơn vị chấp nhận thẻ chịu trách nhiệm lưu giữ và bảo quản các hóa đơn giao dịch và các chứng từ có liên quan đến giao dịch, thanh toán thẻ trong thời gian tối thiểu là 18 tháng kể từ ngày thực hiện giao dịch.

    Quá trình thực hiện hợp đông: Ngày 16/4/2003, Ngân hàng đã tạm ứng cho đơn vị chấp nhận thẻ 2.800USD cho 3 giao dịch thẻ. Ngày 17/6/2003, Ngân hàng đã tạm ứng cho chị Nguyệt là 2.150USD cho 11 giao dịch thẻ.

    Trong quá trình thanh toán với Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được Ngân hàng nước ngoài thông báo, các chủ thể nước ngoài khiếu nại là không thực hiện được giao dịch thẻ nói trên tại Việt Nam.

    Ngày 15/9/2003, Ngân hàng có công văn số 918 gửi cho đơn vị chấp nhận thẻ yêu cầu phải cung cấp chứng từ hóa đơn thanh toán của các giao dịch trên trong vòng 7 ngày đẻ thực hiện việc tra soát, nếu không xuất trình hóa đơn thì coi như các giao dịch đó không có và đơn vị chấp nhận thẻ phải chịu trách nhiệm. Ngày 29/9/2003, Ngân hàng lại có công văn số 4433 gửi chị Nguyệt là đơn vị chấp nhận thẻ nộp chứng từ hóa đơn cho Ngân hàng. Tiếp theo vào các ngày 21/10/2003, 27/10/2003, 11/11/2003, Ngân hàng gửi tiếp công văn yêu cầu cung cấp hóa đơn để Ngân hàng làm việc với Ngân hàng nước ngoài nhưng chị Nguyệt cũng không xuất trình được hóa đơn và không đến làm việc để giải quyết dứt điểm với Ngân hàng.

    Ngày 23/12/2003, Ngân hàng đã có đơn khởi kiện tại Tòa án, kiện cửa hàng vàng bạc Thanh Ngân và buộc bà Nguyễn Ánh Nguyệt-chủ cửa hàng vàng bạc Thanh Ngân phải hoàn trả lại Ngân hàng số tiền đã tạm ứng là 8.550USD.

    Bà Nguyễn Ánh Nguyệt trình bày:

    Cửa hàng vàng bạc Thanh Ngân ở 82 Hàng Bạc có tài khoản số 0022000240290 tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam do bà Nguyễn Ánh Nguyệt làm chủ tài khoản. Việc ký kết hợp đồng chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế do bà Nguyệt ký với Ngân hàng và nội dung hợp đồng như Ngân hàng đã trình bày. Cửa hàng đã bán cho các chủ thẻ nước ngoài và đã thanh toán theo các quy trình của hợp đồng và bản điều khoản điều kiện kèm theo. Các hóa đơn cửa hàng Thanh Ngân đã nộp cho Ngân hàng nhưng không có biên bản và sổ giao nhận. Còn số tiền Ngân hàng đã chuyển vào tài khoản của bà như Ngân hàng đã trình bày: ngày 16/4/2003 = 2.800USD, ngày 17/6/2003 = 2.150USD, ngày 08/7/2003 = 5.500USD. Số tiền này bã đã bán hàng vàng bạc cho các chủ thẻ và họ đã mua hàng của bà. Vì thế, nay Ngân hàng đòi lại tiền, bà không chấp nhận trả. Còn việc giao dịch này, bà Hạnh-chủ doanh nghiệp Thanh Ngân không có liên quan và không được hưởng lợi gì, chỉ có bà là người trực tiếp giao dịch và làm việc với Ngân hàng, bà Hạnh không ủy quyền cho bà ký hợp đồng và cũng không có dấu của doanh nghiệp Thanh Ngân trong hợp đồng ký với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

    Ngày 17/12/2004, bà Thái Thị Thu Hằng đã có yêu cầu rút số tiền 2.800USD liên quan đến giao dịch của chủ thẻ người Nhật Bản và chỉ còn yêu cầu đòi lại số tiền 7.650USD mà Ngân hàng đã ứng cho bà Nguyệt và yêu cầu bà Nguyệt phải chịu lãi suất đến 17/12/2004 là 15.696.222 đồng.

    Tại bản án số 04 ngày 12/01/2005, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử buộc doanh nghiệp tư nhân Thanh Ngân phải hoàn trả cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam 7.650USD tương đương 120.648.150 đồng theo tỷ giá ngày 12/01/2005. Ghi nhận sự tự nguyện của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam rút yêu cầu đòi lãi suất.

    Ngày 18/01/2005, bà Nguyễn Bích Hạnh có đơn kháng cáo.

    Tại bản án số 145 ngày 18/7/2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 04 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giao hồ sơ về Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử lại theo thủ tục chung.

    Ngày 24/11/2005, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý lại hồ sơ vụ án.

    Ngày 04/01/2006, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam có đơn bổ sung đơn khởi kiện và yêu cầu bà Nguyễn Ánh Nguyệt là người trực tiếp ký hợp đồng và giao dịch với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam phải có trách nhiệm thanh toán trả lại Ngân hàng số tiền mà Ngân hàng đã tạm tứng vào tài khoản của bà Nguyệt mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tổng cộng 03 lần là 115.318.370 đồng = 7.650USD cùng lãi suất.

    Tại bản án số32/2006/KDTM-ST ngày 31/3/2006, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định: Áp dụng các Điều 388, 389, 412 của Bộ luật dân sự; các Điều 29, 131, 245 của Bộ luật tố tụng dân sự, xử: Chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam do bà Thái Thị Thu Hằng đại diện. Buộc bà Nguyễn Ánh Nguyệt – Cửa hàng vàng bạc Thanh Ngân 82 Hàng Bạc, Hà Nội; có hộ khẩu ở 67 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội phải trả lại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là 139.072.408 đồng cả gốc và lãi.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

    Ngày 04/4/2006, bà Nguyễn Ánh Nguyệt kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.

    XÉT THẤY

    Sau khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

    Tại phiên tòa hôm nay bà Nguyễn Ánh Nguyệt vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Bà cho rằng số tiền 7.650USD bà được tạm ứng của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bà đã thanh toán cho các khách hàng nước ngoài, hóa đơn chứng từ bà đã nộp cho Ngân hàng. Còn hóa đơn chứng từ bà lưu giữ thì có thể bà đã nộp cho Ngân hàng hoặc bị thất lạc nên không còn để xuất trình tại Tòa án. Bà đề nghị Tòa án xử chấp nhận cho bà đã thanh toán khoản tiền 7.650USD cho khách nước ngoài và xử bác đơn kiện của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam yêu cầu bà phải trả khoản tiền 7.650USD cho Ngân hàng.

    Luật sư bảo vệ cho bị đơn trình bày các luận cứ cho rằng bà Nguyệt đã thanh toán khoản tiền 7.650USD cho khách hàng nước ngoài, bà Nguyệt chỉ có sơ xuất là không lưu giữ các hóa đơn chứng từ có liên quan đến việc thanh toán và không buộc bà Nguyệt phải thanh toán khoản tiền 7.650USD cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

    Ngày 18/11/1999 và ngày 25/11/2002 bà Bùi Thị Cúc-Trưởng phòng giao dịch thẻ của Ngân hàng Ngoại thương có ký hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng quốc tế với cửa hàng vàng bạc Thanh Ngân do bà Nguyễn Ánh Nguyệt ký. Quá trình thực hiện hợp đồng, ngày 17/6/2003 Ngân hàng tạm ứng cho bà Nguyệt 2.150USD cho 11 giao dịch thẻ; ngày 8/7/2003 Ngân hàng tạm ứng cho bà Nguyệt 5.500USD cho 09 giao dịch thẻ.

    Trong quá trình thanh toán với Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được Ngân hàng nước ngoài thông báo không có việc giao dịch thẻ nói trên tại cửa hàng vàng bạc Thanh Ngân ở 82 Hàng Bạc, Hà Nội, Việt Nam. Vì vậy, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã nhiều lần có công văn đề nghị bà Nguyệt đại diện cho cửa hàng vàng bạc Thanh Ngân cung cấp chứng từ, hóa đơn để Ngân hàng thực hiện việc tra soát với trung tâm giao dịch thẻ quốc tế nhưng bà Nguyệt không chấp hành, không cung cấp được chứng từ, hóa đơn gốc cho Ngân hàng. Vì thế, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam không có căn cứ để buộc Ngân hàng nước ngoài trả lại tiền cho các giao dịch thẻ mà bà Nguyệt đã thực hiện.

    Trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm hôm nay bà Nguyễn Ánh Nguyệt khẳng định mà là người trực tiếp ký hợp đồng với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để chấp nhận thanh toán thẻ quốc tế, tài khoản 0011000240290 mở ở Ngân hàng Ngoại thương là tài khoản cá nhân không phải của doanh nghiệp Thanh Ngân.

    Như vậy, có căn cứ xác định hợp đồng giữa bà Nguyễn Ánh Nguyệt và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã ký kết để chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng quốc tế là hợp đông ký kết giữa hai bên đều phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật Việt Nam. Vì vậy đây là hợp đồng hợp pháp.

    Tại Điều 5 của hợp đồng quy định: đối với giao dịch thanh toán qua máy tự động (EDC) đơn vị chấp nhận thẻ phải truyền ngay giữ liệu thanh toán về Ngân hàng trong ngày giao dịch và có trách nhiệm nộp hóa đơn cho Ngân hàng trong vòng 05 ngày kể từ ngày truyền giữ liệu. Đối với giao dịch không qua máy thì phải tập hợp toàn bộ hóa đơn phát sinh, lập bảng kê, giữ lại 02 biên lai, 01 liên gốc lưu trữ, còn 01 liên gửi cho Ngân hàng và thanh toán trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện giao dịch.

    Sau khi xảy ra tranh chấp, Ngân hàng đã nhiều lần yêu cầu bà Nguyệt đến cung cấp chứng từ hóa dơn, biên lai gốc mà chủ thẻ đã giao dịch ký nhận để Ngân hàng tra soát yêu cầu phía Ngân hàng nước ngoài thanh toán. Nhưng trong quá trình giải quyết việc tranh chấp tại Tòa án sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bà Nguyệt không xuất trình được sổ sách, chứng từ lưu giữ nào để chứng minh cho các giao dịch mà bà đã thực hiện trực tiếp với chủ thẻ. Vì vậy, không có cở sở để xác định khoản tiền 7.650USD bà Nguyệt đã thanh toán cho các chủ thẻ.

    Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bà Nguyệt phải có trách nhiệm trả lại số tiền mà Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã tạm ứng cho bà như Ngân hàng đã yêu cầu là 7.650USD (tương đương với 115.318.370 đồng VN) và khoản lãi suất 23.784.038 đồng. Tổng cộng: 139.072.408 đồng là hoàn toàn có căn cứ pháp luật.

    Vì vậy, không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Ánh Nguyệt mà cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Vì các lẽ trên,

    Căn cứ khoản 1 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH

    Không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Ánh Nguyệt, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Căn cứ Điều 388; 389; 412 Bộ luật dân sự.

    Nghị quyết số 01 ngày 30/3/2005 của Tòa án nhân dân tối cao.

    Nghị định 70/CP quy định án phí, lệ phí ngày 12/6/1992.

    1. Xử chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam do bà Thái Thị Thu Hằng đại diện.

    Buộc bà Nguyễn Ánh Nguyệt cửa hàng vàng bạc Thanh Ngân 82 Hàng Bạc, Hà Nội, có hộ khẩu ở 67 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phải trả lại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam 139.072.408 đồng cả gốc và lãi.

    Kể từ ngày Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có đơn yêu cầu thi hành án nếu bà Nguyệt không thi hành khoản tiền trên thì còn phải chụi khoản lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nước ngoài quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

    Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    2. Về án phí: bà Nguyễn Ánh Nguyệt phải chịu 6.560.000 đồng án phí kinh tế sơ thẩm và 200.000 đồng án phí kinh tế phúc thẩm (khoản tiền án phí phúc thẩm 200.000 đ được khấu trừ vào khoản tiền 200.000 đ mà bà Nguyệt đã nộp dự phí kháng cáo tại cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội-biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 007975 ngày 3/4/2006).

    Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được lấy lại tiền dự phí đã nộp tại biên lai số 04623 ngày 24/2/2004 là 3.100.000 đồng tại cơ quan thi hành án Hà Nội.

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

    Nơi nhận:

    - TAND thành phố Hà Nội

    - VKSND thành phố Hà Nội

    - Các đương sự (theo Đ/c)

    - VKSNDTC (VPT 1)

    - TANDTC (Tòa KT)

    - Lưu

    TM.HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Nguyễn Đức Nhận

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 04:05:48 CH
     
    5378 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận