Số hiệu
|
136/2006/KDTM-PT
|
Tiêu đề
|
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
|
Ngày ban hành
|
12/07/2006
|
Cấp xét xử
|
Phúc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Kinh tế
|
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI
------------------
Bản án số:136/2006/KDTM-PT
Ngày 12/7/2006
V/v tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa.
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆTNAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------L.8
|
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA PHÚC THẨM
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI
Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Thế Linh;
Các Thẩm phán: Ông Nguyễn Đạt Tôn;
Ông Ngô Anh Dũng.
Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Nguyễn Thị Thanh Tú, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao: không tham gia phiên tòa.
Ngày 12 tháng 7 năm 2006, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thụ lý số14/2006/KTTM-PT ngày 25 tháng 4 năm 2006 giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Công ty TNHH Interflour Việt Nam
Trụ sở: xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu
Đại diện: Ông Bùi Quang Hưng
Ông Trần Gia Thế
Bà Lê Thị Hoa
Các ông bà có tên trên làm đại diện theo giấy ủy quyền số IFV/KVC/LL – UQ 2005 – 1101 ngày 23 tháng 11 năm 2005 của Tổng giám đốc Công ty. Ông Hưng có mặt.
* Bị đơn: Công ty TNHH kinh doanh và chế biến lương thực Việt Tiến.
Trụ sở: thông Kiên Thành, thị trấn Châu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Đại diện: Ông Nguyễn Đức Quang theo giấy ủy quyền số 89UQ/VT của Giám đốc Công ty – Ông Quang có mặt.
NHẬN THẤY
1. Ngày 25/10/2004, Công ty TNHH Interflour Việt Nam ký hợp đồng kinh tế số 002/HĐKT/04-VT với Công ty TNHH kinh doanh và chế biến lương thực Việt Tiến.
Theo hợp đồng, Công ty Interflour đồng ý bán cho Công ty Việt Tiến 100 tấn hàng mỗi tháng. Việc giao hàng được thực hiện theo từng đơn đặt hàng bằng văn bản của Công ty Việt Tiến được gửi tới Công ty Interflour trước 02 ngày.
2. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Interflour đã thực hiện giao đủ hàng theo đơn đặt hàng của Công ty Việt Tiến ngày 29/10/2004 với số lượng là 30 tấn hàng. Hai bên không có tranh chấp gì về số lượng và chất lượng hàng hóa. Số tiền Công ty Việt Tiến phải thanh toán cho Công ty Interflour theo hóa đơn số 0071406 ngày 29/10/2004 do Công ty Interflour gửi cho Công ty Việt Tiến là 131.386.500 đồng.
3. Do Công ty Việt Tiến không thực hiện nghĩa vụ thanh toán này nên ngày 23/11/2005 Công ty Interflour đã khởi kiện Công ty Việt Tiến yêu cầu thanh toán các khoản sau: Tiền nợ gốc là 131.386.500 đồng cùng lãi suất chậm trả và các chi phí khác.
4. Quá trình Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ kiện, đại diện nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu đòi bị đơn thanh toán số tiền còn thiếu của hợp đồng 002/HĐKT/04-VT ngày 25/10/2004 gồm các khoản sau:
+ Nợ gốc: 131.386.500 đồng.
+ Nợ lãi: 17.613.148 đồng (tính từ 28/12/2004 đến 26/01/2006).
Tổng cộng: 148.999.648 đồng.
5. Đại diện bị đơn trình bày:
Công ty Việt Tiến xác nhận phần trình bày của đại diện nguyên đơn về việc ký kết hợp đồng, việc giao nhận hàng và số tiền nợ gốc là 131.386.500 đồng Công ty Việt Tiến chưa thanh toán cho Công ty Interflour.
Công ty Việt Tiến xin trả dần số nợ gốc trên cho Công ty Interflour mỗi tháng 15.000.000 đồng – 20.000.000 đồng, cho đến hết năm 2006 thì thanh toán hết.
Còn với số tiền lãi, giữa hai bên chưa đối chiếu lại tình hình công nợ nên Công ty Việt Tiến sẽ xem xét lại về số tiền này.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số20/2006/KDTM-ST ngày 06/3/2006, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
Áp dụng Điều 306 và Điều 319 Luật Thương mại; Điều 131 và Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự;
Xử buộc Công ty TNHH kinh doanh và chế biến lương thực Việt Tiến thanh toán cho Công ty TNHH Interflour Việt Nam các khoản tiền như sau:
- Tiền hàng: 131.368.500 đồng
- Tiền lãi: 18.968.925 đồng
Tổng cộng: 150.355.425 đồng
Bác các yêu cầu khác của Công ty kinh doanh và chế biến lương thực Việt Tiến.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/3/2006, Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh và chế biến lương thực Việt Tiến có đơn kháng cáo với nội dung: việc không thanh toán tiền hàng là do đại diện Công ty liên hệ với bà Cẩn – Chi nhánh Công ty Vina flour Thái Nguyên thì không được xác nhận. Từ đó không liên hệ và không biết thanh toán cho ai. Mặt khác, Công ty Vina Flour đã giao không đúng số lượng hàng như hợp đồng đã ký, Công ty cho rằng không phải chịu khoản tiền lãi như Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nghe các đương sự trình bày, qua việc hỏi công khai, thẩm tra các tài liệu, chứng cứ và việc tranh luận giữa các đương sự tại phiên tòa; sau khi thảo luận và nghị án,
XÉT THẤY:
Tại phiên tòa hôm nay, ông Nguyễn Đức Quang, đại diện theo ủy quyền của Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh và chế biến lương thực Việt Tiến (sau đây viết tắt là Công ty Việt Tiến) vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo đã được nêu trong đơn đề ngày 15/3/2006.
Xét kháng cáo của Công ty Việt Tiến, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: theo hợp đồng mua bán bột mỳ số 002/HĐKT/04-VT ký kết ngày 25/10/2004 giữa Công ty Việt Tiến với Công ty trách nhiệm hữu hạn Interflour Việt Nam (sau đây viết tắt là Công ty Interflour) thì tại Điều 5 hai bên có thỏa thuận việc Công ty Việt Tiến phải thông báo lịch nhận hàng bằng băn bản. Trên thực tế, vào ngày 29/10/2004, Công ty Việt Tiến có đơn đặt hàng với số lượng là 30 tấn bột mỳ. Cùng ngày trên, chi nhánh Công ty Interflour tại Hải Phòng đã xuất số hàng trên, kèm theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0071406. Tại phiên tòa hôm nay, ông Quang có trình bày hóa đơn nhận hàng người ký nhận không phù hợp nhưng cũng phải thừa nhận Công ty Việt Tiến đã thực nhận 30 tấn hàng nêu trên. Ông Quang cũng cho rằng Công ty Interflour đã không thực hiện đúng hợp đồng về số lượng. Cụ thể sau khi giao 30 tấn hàng thì Công ty Việt Tiến đã có văn bản và điện thoại yêu cầu giao tiếp hàng. Về vấn đề này, Hội đồng xét xử đã yêu cầu ông Quang xuất trình tài liệu chứng minh việc đặt hàng tiếp nhưng ông Quang không thực hiện được, sau đó thừa nhận không có văn bản về việc đặt hàng tiếp. Sự thừa nhận này phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, không có căn cứ để cho rằng Công ty Interflour đã không thực hiện đúng hợp đồng về số lượng là 100 tấn như kháng cáo của Công ty Việt Tiến đã nêu. Mặt khác, tại bản đề nghị ngày 24/02/2006 (bút lục số 65-66) và tại lời trình bày thì chính Công ty Việt Tiến cũng thừa nhận năm 2005 do giá nguyên liệu bột mỳ tăng nên Công ty đã phải giảm sản lượng sản xuất. Qua đó lại càng có cơ sở để khẳng định Công ty Việt Tiến không có đơn đặt hàng tiếp theo đối với Công ty Interflour.
Tại bản chi tiết công nợ lập vào tháng 02/2005, hai bên đã ký xác nhận, theo đó Công ty Việt Tiến thừa nhận còn nợ tiền hàng của 30 tấn bột mỳ là 131.386.500 đồng, đồng thời trong tài liệu này cũng xác định nghĩa vụ của Công ty Việt Tiến là xác nhận nợ và gửi về địa chỉ của Công ty Interflour tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc fax theo số fax 08-8237858. Tại phiên tòa hôm nay, ông Quang thừa nhận Công ty Việt Tiến đã không thực hiện nghĩa vụ nêu trên. Do đó, việc Công ty Việt Tiến cho rằng sau khi nhận hàng nhưng không biết thanh toán tiền hàng ở đâu là không có căn cứ. Tại đơn kháng cáo và lời trình bày tại phiên tòa hôm nay, đại diện được ủy quyền của Công ty Việt Tiến cho rằng Công ty Việt Tiến đã tìm mọi cách để thanh toán tiền hàng bằng việc liên hệ với bà Cẩn chi nhánh Công ty Interflour tại Thái Nguyên nhưng bà Cẩn đã không nhận số nợ này. Xét yêu cầu kháng cáo này là không có căn cứ vì theo Điều 5 của hợp đồng và trên thực tế Công ty Việt Tiến đã nhận hàng tại kho của chi nhánh Công ty Interflour tại Hải Phòng.
Về kháng cáo không chấp nhận thanh toán khoản tiền lãi phát sinh, tại phiên tòa này, ông Quang nêu ra nhiều lý do, bao gồm: việc giao nhận hàng giữa hai bên có sự tham gia của một số người không thuộc sự quản lý lao động của hai Công ty; Công ty Việt Tiến hiện nay đang rất khó khăn về tài chính nên chỉ có khả năng trả được tiền hàng nhưng xin kéo dài thời hạn trong 5 tháng, kể từ thời điểm xét xử phúc thẩm. Xét kháng cáo trên của Công ty Việt Tiến, thấy theo hợp đồng và theo thỏa thuận bổ sung giữa hai bên thì Công ty Việt Tiến được trả chậm tiền hàng trong vòng 60 ngày kể từ khi nhận hàng. Như vậy, kể từ ngày 29/12/2004, Công ty Việt Tiến có nghĩa vụ phải thanh toán 131.386.500 đồng cho Công ty Interflour. Tuy nhiện, đến thời điểm Công ty Interflour khởi kiện vụ án tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (ngày 23/11/2005) Công ty Việt Tiến chưa thanh toán số tiền hàng nêu trên. Theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại năm 1998 và Điều 306 Luật Thương mại 2005 thì việc Công ty Interflour thực hiện quyền yêu cầu về tiền lãi do Công ty Việt Tiến chậm thanh toán tiền hàng là đúng. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty Việt Tiến phải chịu thêm khoản tiền lãi đối với Công ty Interflour là có căn cứ. Tuy nhiên, việc tính tiền lãi dựa trên quyết định số1746/QĐ-NHNN ngày 01/12/2005 (có hiệu lực từ ngày 01/12/2005) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cơ bản là 0,6875%/tháng là chưa phù hợp bởi vì bắt đầu từ thời điểm ngày 31/12/2004 (Quyết định số1716/QĐ-NHNN) đến thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày 06/3/2005), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 16 Quyết định quy định lãi suất cơ bản, trong đó có 03 thời điểm thay đổi tỷ lệ lãi suất cơ bản: 0,625%/tháng, 0,650%/tháng, 0,6875%/tháng, theo đó số tiền lãi phát sinh từng thời điểm cũng khác nhau. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm sửa lại số tiền lãi này phù hợp với quy định của pháp luật với số liệu là 18.196.455 đồng (thay vì số liệu của Tòa án cấp sơ thẩm là 18.968.925 đồng) và tổng số tiền hàng và tiền lãi sẽ là: 149.582.995 đồng. Cũng chính vì vậy sửa án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm mà Công ty Việt Tiến phải chịu.
Bởi các lẽ trên và căn cứ khoản 2 Điều 275, khoản 1 Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự,
QUYẾT ĐỊNH
1. Không chấp nhận kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh và chế biến lương thực Việt Tiến, sửa một phần bản án sơ thẩm. Cụ thể như sau:
Áp dụng Điều 306, Điều 319 Luật Thương mại, buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh và chế biến lương thực Việt Tiến phải thanh toán trả cho Công ty TNHH Interflour Việt Nam số tiền là 149.582.995 đồng (Một trăm bốn mươi chín triệu năm trăm tám mươi hai nghìn chín trăm chín mươi lăm đồng), trong đó tiền hàng: 131.386.500 đồng và tiền lãi: 18.196.455 đồng.
Kể từ ngày bản án này có hiệu lực pháp luật và bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không thi hành thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố trên số tiền và thời gian chậm thi hành.
Về án phí: Áp dụng Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ, Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh và chế biến lương thực Việt Tiến phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là: 6.983.319 đồng.
Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh và chế biến lương thực Việt Tiến phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm; hoàn trả lại cho Công ty 200.000 đồng tiền tạm ứng phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 007836 ngày 16/3/2006 của Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.
2. Các quyết định khác của bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số20/2006/KDTM-ST ngày 06/3/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
CÁC THẨM PHÁN
Ngô Anh Dũng Nguyễn Đạt Tôn
(Đã ký) (Đã ký)
THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
Bùi Thế Linh
(Đã ký)
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 03:50:54 CH