Tranh chấp hợp đồng gia công

Chủ đề   RSS   
  • #263617 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Tranh chấp hợp đồng gia công

    Số hiệu

    133/2006/KDTM-PT

    Tiêu đề

    Tranh chấp hợp đồng gia công

    Ngày ban hành

    06/07/2006

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

    ------------------

    Bản án số:133/2006/KDTM-PT

    Ngày 06, 07/7/2006

    V/v tranh chấp hợp đồng gia công

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------L.8

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA PHÚC THẨM

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Vũ Tiến Trí;

    Các Thẩm phán: Ông Bùi Thế Linh;

    Ông Nguyễn Xuân Khôi.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Trịnh Thị Minh Trang, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án dân tối cao tại Hà Nội.

    Trong các ngày 06 và 07 tháng 7 năm 2006, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội – 262 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số07/2006/KDTM-PT ngày 03 tháng 3 năm 2006 về tranh chấp hợp đồng gia công theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số1049/2006/KTPT-QĐ ngày 17 tháng 4 năm 2006 giữa các đương sự:

    Nguyên đơn kháng cáo: Bà Nguyễn Mai Hương – Chủ doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát.

    Trú tại: 57 Tô Hiến Thành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, có mặt.

    * Bị đơn kháng cáo: Công ty Glass Tech International Inc (gọi tắt là GTI); trụ sở Hoa Kỳ.

    Đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Kim Jung Chul (quốc tịch Hàn Quốc); tạm trú tại xã Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, có mặt.

    Ông Kim Jung Chul ủy quyền cho các ông:

    - Ông Nguyễn ĐÌnh Hiển, sinh năm 1961 trú tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, có mặt.

    - Ông Phạm Chính Tâm, sinh năm 1976; trú tại nhà 23 phường Bồ Đề, Gia Lâm, thành phố Hà Nội, có mặt.

    - Ông Đỗ Trọng Hải, sinh năm 1970; trú tại nhà 26 ngõ 41 Thái Hà, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; có mặt.

    * Người phiên dịch: chị Nguyễn Thị Hồng; số 8 tổ 13 phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội; có mặt.

    NHẬN THẤY:

    Ngày 12/6/1996, Doanh nghiệp tư nhân dính cao cấp Thành Phát và Công ty Glass International Inc (viết tắt là GIT) có ký kết hợp đồng số01/TP-IN96 để gia công sản phẩm, nguyên liệu gia công do phía GIT cung cấp không thanh toán, hợp đồng này hết hiệu lực ngày 31/12/1997 các bên không thanh lý và không có tranh chấp khiếu nại.

    Ngày 25/10/1997 hai bên tiếp tục ký hợp đồng gia công số02/TP-IN97 để gia công các sản phẩm kính, hợp đồng có nội dung chính như sau:

    - Số lượng sản phẩm:

    + Kính cắt thẳng: 19.500.000 sản phẩm;

    + Kính cắt theo đường cong: 1.000.000 bộ;

    + Tấm kính ốp đồng: 200.000 tấm.

    - Đơn giá gia công theo đơn đặt hàng.

    - GTI cung cấp không thanh toán nguyên phụ liệu và hỗ trợ máy móc (có bảng kê chi tiết gồm 38 loại máy móc thiết bị và 950 sản phẩm đồng đã gia công).

    - Thanh toán bằng L/C trả ngay hoặc điện chuyển tiền.

    - Thời hạn hợp đồng là 05 năm (từ 15/11/1997 đến 15/11/2005) và được lập bằng hai thứ tiếng Việt và Anh.

    Kèm theo hợp đồng cố 02 có bản kê chi tiết máy móc thiết bị tạm nhập để thực hiện hợp đồng – có 38 loại máy và 950 sản phẩm đồng đã gia công.

    Hợp đồng này được Bộ Thương mại phê duyệt chấp nhận cho thực hiện tại văn bản số6288/TM-ĐT ngày 29/12/1997 và đã được đăng ký tại Cục hải quan thành phố Hà Nội ngày 03/01/1998.

    Doanh nghiệp Thành Phát và GTI nhập đủ số máy móc theo hình thức tạm nhập tái xuất gồm 39 loại máy của GTI chuyển giao (gồm 38 loại máy của bản kê hợp đồng số 02 và 01 máy theo phụ lục số 02 ngày 16/02/1998). Trước đó, vào ngày 9/1996, bà Nguyễn Mai Hương đã làm thủ tục nhập khẩu phi mậu dịch 08 loại máy móc thiết bị do ông Kim ký giấy cho tặng cá nhân bà Hương ngày 10/4/1996 lúc đó bà Hương chưa kịp thành lập doanh nghiệp Thành Phát.

    Ngày 02/01/2001, hai bên ký kết biên bản quyết toán các phụ lục số 06 và 07 của hợp đồng số 02. Nội dung bản quyết toán xác định tổng giá trị gia công của hai phụ lục này là 112.935 USD. Trong số 42.980USD, khách hàng của GTI chuyển vào tài khoản của Doanh nghiệp tư nhân Thành Phát có 17.480 USD được trả cho doanh nghiệp Thành Phát và 25.000 USD trả cho ông Kim. Tính đến ngày 31/12/2000, GTI còn nợ Doanh nghiệp Thành Phát là 3.365,30 USD. Cùng ngày 02/01/2001 hai bên còn ký kết phụ lục số 09 thỏa thuận số lượng hàng đặt gia công ước tính 412.600 USD và thanh toán bằng điện chuyển tiền hoặc L/C không hủy ngang trước 30 ngày giao toàn bộ hàng.

    Quá trình thực hiện hai hợp đồng: Doanh nghiệp Thành Phát xuất trả GTI 22 lô hàng với tiền phí gia công là 462.670,95 USD. Hàng giao gối đầu không theo từng phụ lục hợp đồng. Lô hàng cuối cùng (lô thứ 22) vào ngày 08/5/2001 trị giá 29.500 USD, GTI thanh toán bằng tiền mặt 272.156.357 VNĐ (tương đương 18.762,32 USD). Cũng trong ngày 08/5/2001, hai bên ký bản bổ sung phụ lục số 09 quy định sản phẩm và đơn giá sản phẩm tính theo Inch; Việc thanh toán bằng điện chuyển tiền trả trước hoặc L/C không hủy ngang trước 30 ngày giao toàn bộ hàng. Ngoài ra, bản bổ sung phụ lục số 09 còn quy định về xử lý máy móc đã chuyển giao theo hợp đồng và chọn Tòa kinh tế Hà Nội giải quyết tranh chấp. Bản bổ sung phụ lục số 09 được lập thành 04 bản tiếng Anh, không có bản tiếng Việt – có hiệu lực từ ngày ký (08/5/2001) đến ngày 15/11/2002. Doanh nghiệp Thành Phát đã đăng ký, cơ quan Hải quan đã tiếp nhận ngày 20/3/2002.

    Ngày 26/5/2001, Doanh nghiệp Thành Phát thông báo ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh không thời hạn với lý do khó khăn tài chính vì ông Kim vi phạm bổ sung phụ lục số 09 không thanh toán phí gia công bằng L/C trước khi xuất hàng.

    Ngày 06/6/2001, hai bên có thỏa thuận: ông Kim quản lý điều hành sản xuất tiếp, chịu mọi chi phí, còn bà Hương làm thủ tục pháp lý để bảo đảm sản xuất kinh doanh và mang trả doanh nghiệp các chứng từ về hợp tác giữa hai bên, đồng thời bà Hương được trả lương những ngày đến làm việc. Từ đó bà Hương không đến doanh nghiệp nữa.

    Ngày 03/8/2001, hai bên họp thống nhất nhau dứt điểm hợp đồng và xóa tên doanh nghiệp (Doanh nghiệp Thành Phát). Đến ngày 01/12/2001, GTI có Quyết định số 01/QĐ thông báo chấm dứt hợp đồng số02/TP-IN97 lý do vì Doanh nghiệp Thành Phát không giao hàng đúng hạn, có nhiều vi phạm về lao động và đốt hủy tài liệu chứng cứ (ngày 29/9/2001). Doanh nghiệp Thành Phát sau đó nhiều lần yêu cầu GTI nhận hàng và thanh toán tiền gia công, còn GTI yêu cầu Doanh nghiệp Thành Phát giao hàng trước ngày 15/10/2002.

    Ngày 10/10/2002, Doanh nghiệp Thành Phát có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, đòi GTI thanh toán nợ về Hợp đồng gia công số02/TP-IN97 với nội dung:

    - Đề nghị Tòa án giải quyết việc thanh lý hợp đồng số02/TP-IN97.

    - Công nhận quyền sở hữu của Doanh nghiệp Thành Phát đối với số máy móc đã nhập theo hợp đồng.

    - Cho phép Doanh nghiệp Thành Phát bán thanh lý 03 lô hàng còn lại để thanh toán các khoản nợ.

    - Buộc GTI bồi thường các khoản:

    + 06 tháng tiền thuê nhà: 59.653.000 đồng;

    + 01 tháng lương 170 lao động x 500.000 đồng = 85.000.000 đồng.

    Tổng cộng 114.653.000 đồng.

    Tại bản án kinh tế sơ thẩm số110/2005/KDTM-ST ngày 27/12/2005, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ các Điều 233, 241, 242 Luật Thương mại, các Điều 23, 29, 41 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, quyết định: Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Mai Hương – Chủ doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát.

    1. Xác định hợp đồng gia công số02/TP-IN97; bản quyết toán phụ lục số 06, 07 ngày 02/01/2001, bản phụ lục số 09 ngày 02/01/2001 và bản bổ sung phụ lục số 09 ngày 08/5/2001 của Hợp đồng số02/TP-IN97 ngày 25/10/1997 giữa Doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát và Công ty GTI là hợp pháp. Hợp đồng số 02 và các phụ lục kèm theo nêu trên chấm dứt thực hiện từ ngày 01/12/2001.

    2. Xác nhận phí gia công Công ty GTI phải trả cho Doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát là 90.849,15 USD.

    3. Xác nhận chi phí do Công ty GTI đã thanh toán từ ngày 06/6/2001 đến 30/9/2001 là 18.117,28 USD. Số tiền này Doanh nghiệp kính tư nhân cao cấp Thành Phát phải hoàn trả cho Công ty GTI.

    4. Sau khi đối trừ 2 khoản trên, buộc Công ty GTI phải thanh toán phí gia công còn thiếu cho Doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát số tiền là 71.731,87 USD và số tiền lãi phát sinh là 24.728,83 USD. Tổng cộng là 97.460,70 USD (chín mươi bảy nghìn bốn trăm sáu mươi đô la Mỹ, bảy mươi cent).

    5. Bác yêu cầu của Doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát đòi Công ty GTI phải bồi thường tiền thuê nhà xưởng 01 năm là 119.306.000 đồng (một trăm mười chín triệu ba trăm linh sáu nghìn đồng)

    6. Khi Công ty GTI thực hiện việc thanh toán số tiền phí gia công trên thì bà Nguyễn Mai Hương có trách nhiệm làm thủ tục xuất trả Công ty GTI toàn bộ số kính thành phẩm theo biên bản kiểm kê ngày 21/01/2003 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (số hàng này hiện ở kho của Doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát tại Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội).

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về 08 loại máy móc thiết bị do ông Kim tặng bà Hương và 39 loại máy móc thiết bị Doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát tạm nhập; bác các yêu cầu khác của các đương sự; quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

    Ngày 09/01/2006, đại diện Công ty GTI là ông Kim Jung Chul kháng cáo với nội dung: đề nghị xem xét và hủy bỏ các điểm 1,2, 3, 4, 6 tại phần quyết định của bản án sơ thẩm.

    Ngày 10/01/2006, bà Nguyễn Mai Hương- Chủ Doanh nghiệp kính cao cấp Thành Phát kháng cáo với nội dung: xem xét lại khoản tiền phí gia công 96.466,10 USD cùng với tiền lãi chậm thanh toán khoản tiền này. Đồng thời yêu cầu Công ty GTI bồi thường tiền thuê nhà xưởng 01 năm là 119.306.000 đồng.

    Ngày 15/01/2006, bà Nguyễn Mai Hương kháng cáo bổ sung. Trong đơn kháng cáo bổ sung này, ngoài nội dung như đơn kháng cáo đề ngày 10/01/2006 ra bà Mai Hương đề nghị Tòa phúc thẩm ấn định thời gian nhất định cho Doanh nghiệp Thành Phát được quyền cơ quan thi hành án phát mại lô hàng để thu hồi nợ trong trường hợp Công ty GTI không thực hiện các quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật.

    Ngày 29/5/2006, Công ty GTI có bản giải trình đơn kháng cáo ngày 09/01/2006 do ông Kim Jung Chul ký.

    Ngày 01/6/2006, Công ty GTI tiếp tục có bản giải trình gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm.

    Ngày 22/6/2006, Công ty GTI lại tiếp tục có đơn kháng cáo bổ sung.

    Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nghe các đương sự trình bày, qua phần hỏi công khai, việc thẩm tra các chứng cứ, tài liệu, trên cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện các chứng cứ và kết quả tranh luận tại phiên tòa; sau khi thảo luận và nghị án;

    XÉT THẤY:

    Tại phiên tòa hôm nay, bà Nguyễn Mai Hương, chủ Doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát (sau đây viết tắt là DNTN Thành Phát), ông Kim Jung Chul (sau đây viết tắt là ông Kim), đại diện hợp pháp của Công ty GTI vẫn giữ nguyên những nội dung kháng cáo.

    Xét kháng cáo của các đương sự nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

    1. Về những nội dung kháng cáo của ông Kim:

    * Về tính hợp pháp của 09 phụ lục hợp đồng, bổ sung phụ lục hợp đồng số 09, biên bản quyết toán phụ lục hợp đồng số 06, 07:

    Tại phiên tòa hôm nay, ông Kim và 03 người là các ông Nguyễn Đình Hiển, Đỗ Trọng Hải, Phạm Chính Tâm được ông Kim ủy quyền đều trình bày cho rằng 09 phụ lục hợp đồng, bổ sung phụ lục hợp đồng số 09 mà bà Hương đã đăng ký tại Cục hải quan thành phố Hà Nội có nội dung giả mạo vì đây nguyên là những giấy khống, có chữ ký và dấu của ông Kim. Ông Kim cũng trình bày không rõ lý do gì mà bà Hương lại có những giấy đó, lại có con dấu của ông, ông Kim cũng cho rằng có thể trước đây, do điều kiện phải đi công tác ra nước ngoài nên ông đã giao những giấy này cho bà Hương sử dụng vào công việc kinh doanh và vì thực tế bản chất công việc giữa hai bên là do Công ty GTI đầu tư, bà Hương chỉ đứng tên trên danh nghĩa.

    Xét thấy tại phiên tòa phúc thẩm ngày 05/6/2006 và tại phiên tòa phúc thẩm này, ông Kim và các cộng sự của ông đều phải thừa nhận hợp đồng số 02 ký ngày 25/10/1997 thì DNTN Thành Phát là đối tác, bạn hàng của Công ty GTI, theo đó DNTN Thành Phát là bên nhận gia công mặt hàng kính các loại trên cơ sở các đơn hàng do Công ty GTI khai thác và đặt gia công. Theo kết quả gia công, Công ty GTI thanh toán phí gia công theo nguyên tắc gối đầu, từ lô hàng này đến lô hàng khác. Mặt khác cũng thấy việc bà Hương thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thành Phát phù hợp với quy định của pháp luật liên quan. Do đó, việc ông Kim cho rằng toàn bộ việc gia công, quản lý sản xuất và đầu tư là của Công ty GTI là không có căn cứ.

    Cũng tại phiên tòa phúc thẩm này, ông Kim và những cộng sự của ông Kim có xuất trình 02 bản phụ lục hợp đồng số 09, số 08 với ngày tháng ký khác nhau, nội dung khác nhau, còn phụ lục hợp đồng số 06 tuy ký cùng ngày nhưng nội dung khác nhau, qua đó muốn chứng minh các phụ lục hợp đồng mà bà Hương đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền là không đúng, đồng thời cho rằng đã có sự liên hệ giữa cơ quan hải quan và bà Hương trong việc làm sai lệch phụ lục hợp đồng thực tế đã ký giữa hai bên. Ông Kim cũng đề nghị được giám định các tài liệu trên theo nội dung giám định về mực bút, con dấu sử dụng và chất liệu giấy. Xét các trình bày và đề nghị trên, thấy về yêu cầu giám định tài liệu đã được ông Kim nêu ra tại Tòa án cấp phúc thẩm lần một, mục đích đặt ra của việc xin giám định nhằm làm rõ các tài liệu đó có phải là giấy khống hay không. Căn cứ yêu cầu trưng cầu giám định của Tòa án cấp phúc thẩm, tại Kết luận giám định số 254 ngày 01/3/2004, Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã kết luận: không đủ cơ sở để xác định chữ ký của ông Kim có trước hay nội dung các văn bản có trước. Vì vậy việc tiếp tục giám định về chất liệu giấy, mực bút là không cần thiết. Về trưng cầu con dấu, ông Kim cho rằng con dấu được đóng trên các phụ lục hợp đồng và bổ sung phụ lục hợp đồng số 09 mà bà Hương dùng để đăng ký là dấu cũ, trong khi đó từ năm 2000, ông đã sử dụng con dấu khác với kích thước khác với dấu cũ. Tuy nhiên, ông Kim cũng xác nhận: con dấu là do ông quản lý, có giá trị trong quan hệ hợp đồng gia công số 02 ký với DNTN Thành Phát, khi làm con dấu mới ông nhờ bà Hương làm nên ông không thông báo cho bà Hương thời điểm dùng dấu mới. Xét về chứng cứ thấy Hợp đồng số 02, các phụ lục hợp đồng, bổ sung phụ lục hợp đồng số 09 đã được bà Hương đại diện bên nhận gia công làm đầy đủ các quy định của Nghị định57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ, Thông tư số 07/2000/TTHQ ngày 02/11/2000 của Tổng Cục hải quan, cụ thể, đã được Bộ Thương mại phê duyệt cho thực hiện hợp đồng số 02 vào ngày 31/12/1997 bằng văn bản số 6288 và được Cục Hải quan thành phố Hà Nội cho đăng ký tiếp nhận ngày 03/01/1998 và các ngày khác tương ứng với thời điểm hai bên ký các phụ lục hợp đồng và bổ sung hợp đồng số 09. Cả ông Kim và bà Hương cũng xác nhận, trên cơ sở hợp đồng số 02, các phụ lục hợp đồng trên thì hàng đã được gia công mới xuất ra nước ngoài theo chỉ thị của Công ty GTI. Tuy cho rằng các phụ lục hợp đồng là giấy khống, bà Hương thêm nội dung nhưng ông Kim thừa nhận chữ ký, con dấu là của ông.

    * Về bổ sung phụ lục hợp đồng số 09, ông Kim và các cộng sự của ông cho rằng văn bản này không thể có vì phụ lục hợp đồng số 09 không được thực hiện, xét đây là sự suy diễn chủ quan vì bản bổ sung phụ lục này được thành lập vào ngày 08/5/2001, được ký bởi người có thẩm quyền của hai bên, ông Kim thừa nhận chữ ký của mình tại bản tiếng Anh, DNTN Thành Phát có lập bản dịch ra tiếng Việt, đóng dấu và cung cấp bản dịch cho cơ quan Hải quan theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, hiệu lực bổ sung phụ lục này được xác định đến ngày 15/11/2002, phù hợp với Điều 8 của hợp đồng số 02. Tuy ngày 01/12/2001, Công ty GTI có thông báo chấm dứt hợp đồng số 02 nhưng sau thời điểm này, hai bên vẫn thực hiện những cam kết có liên quan đến hợp đồng số 02. Hơn nữa, tại văn bản 6588 ngày 24-12-2003, Tổng cục Hải quan đã trả lời cụ thể về các vấn đề có liên quan đến bổ sung phụ lục hợp đồng số 09, bổ sung. Tòa án cấp sơ thẩm xác định phụ lục hợp đồng số 09, bổ sung phụ lục hợp đồng số 09, và các phụ lục hợp đồng khác (đã được đăng ký tại cơ quan Hải quan) hợp pháp là có căn cứ, đúng pháp luật. Vì vậy không chấp nhận kháng cáo này của Công ty GTI.

    * Về phía gia công Công ty GTI phải trả cho DNTN Thành Phát là 90.849,05USD, ông Kim cho rằng quyết định trên của Tòa án cấp sơ thẩm là không đúng với lý do, theo cách tính của mình và với 53 phiếu thanh toán tiền cho 14 lô hàng của hợp đồng số 02 thì Công ty GTI đã trả thừa 106.850USD cho DNTN Thành Phát. Vì vậy yêu cầu doanh nghiệp này phải trả lại số tiền trên cùng lãi suất phát sinh.

    Trong nhiều bản bổ sung kháng cáo ngày 29-5-2006, ngày 01-6-2006, ngày 22-6-2006 và tại bản giải trình ngày 29-6-2006, ông Kim cho rằng việc DNTN Thành Phát sử dụng biên bản kiểm kê ngày 21-5-2001 để yêu cầu Công ty GTI phải trả 98.353USD phí gia công là không đúng vì số liệu này là không có thực, không chính xác vì thực tế tồn kho tại thời điểm đó rất ít. Nếu sử dụng biên bản này thì phải trừ số hàng của khách hàng khác (Rainer) không liên quan đến hợp đồng số 02 đã ký với giữa hai bên, trừ đi số hàng Công ty GTI tự sản xuất, theo đó nếu đơn giá của hợp đồng gia công số 02 thì phí gia công là 1778,02USD. Đồng thời với lý do trên, ông Kim còn dẫn ra những lời chứng của một số người lao động đang làm việc tại DNTN Thành Phát nhằm chứng minh ngày 21/5/2001 bà Hương không có mặt tại nơi làm việc, những người có tên trong biên bản kiểm kê là bà Cúc, ông Khanh và ông Hải không còn làm việc ở doanh nghiệp hoặc nếu có làm thì họ thực hiện công việc không đúng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên khi được hỏi về sự quản lý kho thành phẩm tại thời điểm này, ông Kim thừa nhận do DNTN Thành Phát là bên nhận gia công, đồng thời là chủ thể ký hợp đồng thuê nhà xưởng với Xí nghiệp thảm len Gia Lâm nên DNTN Thành Phát là bên quản lý kho thành phẩm và làm thủ tục xuất hàng tại cơ quan Hải quan. Xét tư cách của DNTN Thành Phát trong quan hệ hợp đồng số 02 và với những xác nhận trên đồng thời theo lời trình bày của bà Cúc, ông Khanh và ông Hải thì thấy việc DNTN Thành Phát thực hiện việc kiểm kê hàng hóa trong kho do mình quản lý và trong bối cảnh giữa doanh nghiệp với Công ty GTI đã phát sinh những vướng mắc về số lượng hàng hóa và về phí gia công là việc làm bình thường và cần thiết. Hơn nữa, với lời xác nhận về sự quản lý kho thành phẩm của DNTN Thành Phát thì việc đại diện Công ty GTI cho rằng lúc đó hàng hóa tồn kho rất ít là không có cơ sở để chấp nhận.

    Tại các bản bổ sung kháng cáo, bản giải trình và lời trình bày tại phiên tòa hôm này, ông Kim cho rằng yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp tư nhân Thành Phát là mâu thuẫn với nhau và không có căn cứ vì giữa biên bản kiểm kê ngày 21/5/2001 và biên bản kiểm kê ngày 24/01/2003 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có sự chênh lệch về số lượng và giá trị hàng gia công, phí gia công mà cụ thể là số hàng của Công ty Bắc Hà. Trả lời số hàng của Công ty Bắc Hà, ông Kim xác nhận có quan hệ với Công ty này, Công ty Bắc Hà có gửi một số lô hàng vào kho của DNTN Thành Phát nhưng được xếp riêng theo lô. Tại phiên tòa, bà Hương thừa nhận có biết việc Công ty Bắc Hà gửi hàng tại kho nhưng vì Công ty này không liên quan đến doanh nghiệp nên khi kiểm tra hàng ngày 21/5/2001 đã không tính vào biên bản kiểm kê. Tại cấp sơ thẩm Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện việc đối chiếu hàng hóa giữa hai biên bản kiểm kê này, theo đó sự chênh lệch về số lượng hàng, về giá trị phí gia công là không đáng kể (bút lục số 646-649). Vì vậy có cơ sở để xác định yêu cầu khởi kiện của DNTN Thành Phát về cơ bản là không mâu thuẫn. Bởi thế không chấp nhận kháng cáo của Công ty GTI.

    Tại phiên tòa hôm nay, ông Kim cho rằng khi biết ngày 10/10/2002 bà Hương làm đơn khởi kiện đòi phí gia công (theo biên bản kiểm kê ngày 21/5/2001) chính ông đã đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành kiểm kê hàng hóa trong kho do DNTN Thành Phát quản lý. Ông thừa nhận đã có mặt, tham gia kiểm kê, nghe người chủ trì kiểm kê của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nêu nội dung biên bản rồi mới ký biên bản nhưng ông cho rằng do lúc tham gia kiểm kê, Tòa án cấp sơ thẩm không hỏi rõ về sở hữu hàng hóa của từng khách hàng nên ông không trình bày số hàng của Rainer, số hàng do ông trực tiếp sản xuất từ ngày 06/6/2001 đến ngày 30/9/2001, mặt khác, không có phiên dịch nên ông không thể trình bày cụ thể và không biết cụ thể mục đích của việc kiểm kê. Xét trình bày trên của ông Kim, thấy như đã nêu ở trên, khi kiểm kê, Tòa án cấp sơ thẩm đã biết và ông Kim cũng đã biết giữa hai bên đang phát sinh tranh chấp về hàng hóa, chính vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định mục đích, nội dung, cách thức và địa điểm tiến hành kiểm kê, ông Kim tham gia ký biên bản không có ý kiến thắc mắc nào về lượng hàng đang tranh chấp. Tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm lần 1 và phiên tòa sơ thẩm lần hai, ông Kim không đề cập đến việc tách hàng của Rainer để tính lại phí gia công. Tại phiên tòa phúc thẩm này, ông Kim đưa ra yêu cầu trên, đồng thời xuất trình bản ghi nhớ thanh toán trước được ký giữa Công ty Rainer với đại diện bên bán là bà Hương và ông Kim, xuất trình văn bản ngày 20/6/2006 của Rainer về việc DNTN Thành Phát đã nhận tiền theo hợp đồng nhưng không giao hàng. Ông Kim cho rằng quan hệ này do DNTN Thành Phát tự làm với Rainer và là quan hệ độc lập nên không liên quan đến ông. Tuy nhiên khi được hỏi lý do vì sao Rainer khi gửi văn bản do DNTN Thành Phát, lại đồng gửi cho ông thì ông cho rằng ông chỉ tham gia với tư cách người làm chứng do có uy tín với Rainer. Xét lời trình bày của ông Kim là không phù hợp với nội dung bản dịch tiếng Việt của các văn bản trên của Rainer, ông Kim cũng không xuất trình được chứng cứ hợp đồng mà DNTN Thành Phát đã ký với Rainer, còn bà Hương thì khẳng định ngoài Công ty GTI, DNTN Thành Phát không có quan hệ nào với Rainer. Mặt khác, từ nội dung của biên bản quyết toán phụ lục 06, 07 mà ông Kim đã ký lại thể hiện Rainer là khách hàng của Công ty GTI. Hơn nữa, khi tiến hành kiểm kê hàng hóa tranh chấp tại kho của DNTN Thành Phát, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Từ những phân tích trên, có cơ sở để khẳng định biên bản kiểm kê ngày 24/01/2003 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội lập là hợp pháp và chưa đủ căn cứ để xác định DNTN Thành Phát có quan hệ hợp đồng với Rainer như kháng cáo của ông Kim đã nêu.

    Tại phần hỏi và phần tranh luận tại phiên tòa hôm nay, ông Kim và những người được ông Kim ủy quyền đã trình bày cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm tính phí gia công theo biên bản ngày 24/01/2003 là không chính xác (96286,50USSD) vì đã tính không đúng số inch của sản phẩm, đồng thời đưa ra bản tính chính xác (có giải trình phương pháp tính), theo đó phí gia công chỉ là 91.595,68USD. Khi được Hội đồng xét xử hỏi tại phần hỏi lại, ông Phạm Chính Tâm xác nhận đây là con số đúng và không thay đổi. Ông Kim thừa nhận xác nhận trên của ông Tâm nhưng cho rằng quan điểm của ông là giữ nguyên những nội dung đã kháng cáo. Xét thấy, sau khi đối chiếu cới bản mẫu ông Kim xuất trình tại phiên tòa phúc thẩm này, có cơ sở chấp nhận số liệu trên do Công ty GTI đưa ra, theo đó tính toán lại phí gia công và trên cơ sở đó tính khoản lãi phát sinh, cụ thể như sau:

    - Phí gia công Công ty GTI phải thanh toán trả cho DNTN Thành Phát (tính theo đơn giá bổ sung của phụ lục hợp đồng số 09 và theo biên bản kiểm kê ngày 24/01/2003 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội): 91.595,68USD.

    - Số tiền phí gia công Công ty GTI còn nợ theo biên bản quyết toán phụ lục hợp đồng số 06, 07 là 3365,33USD.

    - Số tiền Công ty GTI đã thanh toán cho DNTN Thành Phát:

    + 15.990USD (ngày 18/01/2001 – kể cả lãi);

    + 272.156,357 VNĐ (tương đương với 18.762,20USD – cho lô hàng thứ 22 ngày 08/5/2001).

    - Doanh nghiệp tư nhân Thành Phát xuất trả lô hàng thứ 22 cho Công ty GTI (ngày 08/5/2001) = 29.500USD.

    Như vậy, Công ty GTI đã trả thừa phí gia công cho DNTN Thành Phát là:

    (15.990USD + 18.762,20USD) – (3365,33USD + 29.500USD) = 1886,87USD.

    - Số tiền khác chấp nhận cho Công ty GTI gồm:

    + 1.550USD chuyển vào tài khoản của DNTN Thành Phát ngày 12/01/1998.

    + 2000USD (trong khoản 5.000USD) chuyển vào tài khoản của DNTN Thành Phát.

    Đối trừ các khoản trên, phí gia công Công ty GTI phải thanh toán cho DNTN Thành Phát là: 91.595,68USD – 1886,87USD – 1.550USD – 2000USD = 86.158,81USD.

    Số tiền chi phí của Công ty GTI phải bỏ ra sau ngày 06/6/2001 đến ngày 30/9/2001 là 262.700,677VNĐ (tương đương 18.117,28USD).

    Đối trừ phí gia công GTI phải trả cho DNTN Thành Phát (86,158.78USD) với chi phí trên của Công ty GTI (18.117,28USD), Công ty GTI phải thanh toán cho DNTN Thành Phát là: 86.158,81USD – 18.117,28USD = 68.041,53USD.

    Theo đơn kháng cáo và trình bày của mình, ông Kim không chấp nhận trả lãi vì cho rằng không vi phạm hợp đồng, không có lỗi. Xét theo thỏa thuận trong hợp đồng số 02 và trong bổ sung phụ lục số 09 thì Công ty GTI phải thanh toán trả trước, mở L/C hoặc điện chuyển tiền 30 ngày trước khi giao hàng. Công ty GTI chưa thanh toán số tiền 68.041,53USD trên nên theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại, Công ty GTI phải trả khoản lãi phát sinh trên số tiền gốc này theo yêu cầu của DNTN Thành Phát. Mức lãi suất được tính theo lãi suất cho vay trung hạn với thời gian là 48 tháng (từ ngày 01/12/2001 đến ngày 01/12/2005). Cụ thể như sau:

    68.041,53USD x 8,5% /12 tháng x 48 tháng = 23.134,11USD.

    Như vậy tổng số tiền phí gia công gốc sau khi đã đối trừ và tiền lãi phát sinh Công ty GTI phải thanh toán cho DNTN Thành Phát là:

    68.041,53USD + 23.134,11USD = 91.175,64USD.

    Về nghĩa vụ của GTI trả tiền gia công, DNTN Thành Phát trả hàng: xét việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định như trên là hợp lý, bảo đảm được nghĩa vụ song hành, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên. Vì vậy không chấp nhận kháng cáo của Công ty GTI về việc yêu cầu DNTN Thành Phát phải đơn phương thực hiện thủ tục xuất trả hàng cho GTI.

    Về yêu cầu buộc chủ DNTN Thành Phát phải trả lương cho công nhân trong doanh nghiệp các tháng 7-8-9 năm 2001 bằng 14.823,8USD, hội đồng xét xử phúc thẩm thấy đây là yêu cầu mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm, chưa được tòa án cấp sơ thẩm giải quyết. Mặt khác, đây là quan hệ pháp luật lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động, hơn nữa về pháp lý những người lao động này không thuộc sự quản lý của Công ty GTI. Từ phân tích trên không xét yêu cầu này cùa Công ty GTI.

    2.Về những nội dung kháng cáo của DNTN Thành Phát:

    * Về phí gia công và khoản tiền lãi phát sinh: tại phiên tòa hôm nay, bà Hương vẫn yêu cầu buộc Công ty GTI phải thanh toán phí gia công là 96.466USD theo đó khoản lãi phát sinh là 88.000USD. Xét như đã phân tích ở trên, tại phần giải quyết nội dung kháng cáo liên quan của Công ty GTI nên không chấp nhận đề nghị này của bà Hương.

    * Về khoản 18.117,28USD: bà Hương không chấp nhận vì cho đây không phải là khoản phí duy trì sản xuất của Công ty GTI. Tuy nhiên, đây là khoản đã được Tòa án cấp giám đốc thẩm yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm xác định và Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập, đánh giá chứng cứ, trên cơ sở đó đưa ra số liệu này. Do đó không chấp nhận kháng cáo này của bà Hương.

    * Về khoản 119.306.000 đồng: bà Hương trình bày đã thanh toán cho bên cho thuê tiền thuê nhà xưởng 6 tháng cuối năm 2001 là 24 triệu trong tổng số 59 triệu đồng. Do thời gian có hiệu lực của hợp đồng cho thuê nhà xưởng đã hết nên hiện nay bên cho thuê đang có văn bản yêu cầu DNTN Thành Phát phải thanh toán 199.000.000 đồng.

    Xét thấy: với việc ra văn bản tạm dừng sản xuất vào ngày 26/5/2001, DNTN Thành Phát đã thực hiện hành vi dừng hợp đồng nên có lỗi. Mặt khác trên thực tế bà Hương chưa phải thanh toán số tiền 199.000.000 đồng cho bên cho thuê nên chưa có tổn thất. Hơn nữa, theo trình bày của ông Kim, ông Hiển thì sau ngày 30/9/2001, ông Kim không sử dụng nhà xưởng do DNTN Thành Phát thuê để sản xuất. Ông Hiển cùng các ông Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Tiến Dũng đang thực hiện việc quản lý kho kể từ sau khi bà Hương không đến nơi làm việc. Do vậy, không chấp nhận kháng cáo này của bà Hương.

    Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, do có việc sửa về nội dung có liên quan đến số tiền Công ty GTI phải thanh toán cho DNTN Thành Phát, nên phải sửa lại phần án phí mà DNTN Thành Phát và Công ty GTI phải chịu theo quy định của pháp luật.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ khoản 2 Điều 275, khoản 1 Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty GTI và sửa một phần bản án sơ thẩm. Cụ thể như sau:

    Áp dụng các Điều 233; 241; 242 Luật Thương mại; Điều 23; 29; Điều 41 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế; Căn cứ Nghị định số57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998; Nghị định số44/2001/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số07/2000/TT-TCHQ ngày 02/11/2000 của Tổng cục Hải quan; Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ , sửa điểm 2 và điểm 4 của phần Quyết định tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số110/2005/KDTM-ST ngày 27/12/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội với nội dung sau đây:

    - Xác nhận phí gia công Công ty GTI phải trả cho DNTN Thành Phát là: 86.158,78USD.

    - Buộc Công ty GTI phải thanh toán phí gia công còn thiếu cho DNTN Thành Phát với số tiền là 68.041,50USD và tiền lãi phát sinh lf 23.134,11USD, tổng cộng là 91.175,61USD.

    Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền nêu trên, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi xuất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hàng án.

    Giữ nguyên các điểm 1, 3, 5, 6 của Quyết định tại bản án sơ thẩm nêu trên có liên quan đến kháng cáo của hai bên.

    Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: buộc Doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát phải nộp 10.017.723 đồng (mười triệu không trăm mười bảy ngàn bảy trăm hai mươi ba đồng) được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 3.393.000 đồng đã nộp theo biên lai số 9023 ngày 25/10/2002 tại Phòng thi hành án thành phố Hà Nội, còn phải nộp tiếp 6.624.723 đồng ( sáu triệu sáu trăm hai mươi tư ngàn bảy trăm hai mươi ba đồng).

    Buộc Công ty GTI do ông Kim Jung Chul làm đại diện hợp pháp phải nộp 28.456.079 đồng (hai mươi tám triệu bốn trăm năm mươi sáu triệu không trăm bảy mươi chín đồng).

    Về án phí kinh đoanh thương mại phúc thẩm: hoàn trả lại 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng phí phúc thẩm kinh doanh thương mại cho Doanh nghiệp tư nhân kính cao cấp Thành Phát đã nộp tại biên lai số 0007929 ngày 10/01/2006 tại Phòng thi hành án thành phố Hà Nội.

    Hoàn trả lại 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm kinh doanh thương mại cho Công ty GTI do ông Kim Jung Chul làm đại diện đã nộp tại biên lai số 007926 ngày 09 tháng 01 năm 2006 tại Phòng thi hành án thành phố Hà Nội.

    Các quyết định khác của bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số110/2006/KDTM-ST ngày 27/12/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

     

    CÁC THẨM PHÁN

    Bùi Thế Linh Nguyễn Xuân Khôi

    (Đã ký) (Đã ký)

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Vũ Tiến Trí

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 03:46:51 CH
     
    8890 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận