Chào mọi người, vấn đề mình muốn chia sẻ được thể hiện qua một tình huống như sau:
Ông A đã mượn tiền của ông B với số tiền là 15 triệu đồng dùng với mục đích Ông A mua bò giống, do là bạn nên ông B đã tin tưởng và cho vay, việc mượn tiền chỉ được xác lập bằng lời nói, không thông qua bất kỳ giấy tờ ký kết vay nợ nào, đã đến thời hạn trả tiền nhưng ông A lại từ chối không muốn trả. Vậy, trong trường hợp trên ông B có đòi được số tiền cho vay trên hay không? Nếu muốn lấy lại được số tiền cho vay Ông B phải làm như thế nào nếu ông A nhất quyết không trả?
Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể...
Theo đó, đối với trường hợp vay của ông A và ông B thì hai bên có thể giao kết bằng lời nói mà không bắt buộc phải bằng văn bản. Khi đó, nếu ông A không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận thì ông B có quyền đòi lại khoản tiền cho vay. Trước tiên vẫn là trên tinh thần thỏa thuận, ông B có thể liên hệ lại ông A để thỏa thuận về việc trả tiền. Nếu ông A không trả thì ông B có thể khởi kiện ông A ra Tòa án nhân dân cấp quận/huyện để yêu cầu trả nợ theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, do hai bên giao kết hợp đồng bằng lời nói nên để Tòa án chấp nhận yêu cầu của ông B thì ông B cần chứng minh giao dịch cho vay đó có xảy ra và ông A đang vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Việc chứng minh có giao dịch này do không có hợp đồng bằng văn bản nên có thể chứng minh thông qua hình ảnh, lời nói, ghi âm, các video clip, sao kê ngân hàng, hay các đoạn tin nhắn, trò chuyện được sao chụp lại giữa ông A và B đề cập về giao dịch này. Khi Thẩm phán thấy đủ cơ sở chứng minh giao dịch này có xảy ra và ông A không thực hiện nghĩa vụ thì Tòa sẽ chấp nhận yêu cầu của ông B, yêu cầu ông A trả tiền cho ông B.
Mọi người có cách nào hay hơn để giúp ông B đòi lại tiền thì cùng chia sẻ nhé!