>>> Phân biệt phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại
>>> Xử lý hành vi công khai thông tin cá nhân của người nổi tiếng
Khi đăng ký tài khoản để sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, Instagram, tiktok, FaceApp,… mọi người thường phải cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, email, số điện thoại… và phải đồng ý với các điều khoản của ứng dụng này trước khi sử dụng như ứng dụng được quyền sử dụng những nội dung mà người dùng tạo và chia sẻ trên ứng dụng, được quyền sử dụng thông tin về hành động của người dùng … Như vậy, trong quá trình sử dụng các thông tin này, ứng dụng mạng xã hội gây ra thiệt hại cho người dùng thì bị xử lý như thế?
Những điều khoản mà người dùng xác nhận đồng ý khi tạo tài khoản sử dụng ứng dụng được xem như là một hợp đồng sử dụng dịch vụ giữa các bên. Các ứng dụng này là các sản phẩm đến từ pháp nhân của các quốc gia khác như: Mỹ, Trung Quốc, Nga… Do đó, hợp đồng được giao kết này là hợp đồng có yếu tố nước ngoài (Điều 663 Bộ Luật Dân sự 2015).
Về pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài:
Căn cứ Khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
“Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.”
Như vậy, nếu các điều khoản do ứng dụng cung cấp có thỏa thuận áp dụng pháp luật Việt Nam, ví dụ như Facebook, hoặc tranh chấp thuộc các trường hợp được áp dụng pháp luật Việt Nam như: pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng…
Như vậy, trong trường hợp pháp luật Việt Nam được áp dụng, khi ứng dụng mạng xã hội gây ra thiệt hại cho người dùng Việt Nam thì có thể bị xử lý như sau:
1. Trách nhiệm dân sự: Bồi thường thiệt hại
- Căn cứ Điều 608 Bộ luật Dân sự về Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng
"Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường."
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 360, 419 Bộ luật Dân sự thì khi các ứng dụng sử dụng thông tin của người dùng có vi phạm nghĩa vụ gây ra thiệt hại thì về nguyên tắc họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
"Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác."
Đồng thời, căn cứ Khoản 3 Điều 419 Bộ luật Dân sự thì theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.
Như vậy, người dùng có thể yêu cầu bên cung cấp ứng dụng bồi thường thiệt hại: vật chất và tinh thần, nếu cung cấp đủ chứng cứ chứng minh về thiệt hại của mình do bên kia gây ra.
2. Thực hiện biện pháp khắc phục:
Trường hợp xác định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì:
- Căn cứ Điểm b, c Khoản 2 Điều 26 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, thì bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong một thời gian nhất định.
- Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
+ Buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thu hồi, tiêu hủy hàng hóa hoặc ngừng cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
+ Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân vi phạm;
+ Buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ loại bỏ điều khoản vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ra khỏi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
3. Xử lý vi phạm hành chính:
- Căn cứ Điểm d Khoản 2 Điều 26 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, Điểm b, Mục 10 Chương II Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì bên cung cấp dịch vụ sẽ bị:
+ Phạt tiền: với một số hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do pháp luật quy định, như: vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, vi phạm về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, cụ thể:
Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được người tiêu dùng đồng ý theo quy định;
...
+ Ngoài ra, còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm có chứa đựng thông tin của người tiêu dùng, cải chính thông tin sai sự thật…
Bài viết là sự tìm hiểu của mình về vấn đề này, nếu các bạn có ý kiến nào hay thì cùng chia sẻ nhé.
Cập nhật bởi shinichi45 ngày 22/07/2019 11:28:22 SA