Về nguyên tắc, khi vợ hoặc chồng thực hiện một giao dịch liên quan đến tài sản chung, phải có sự đồng ý của hai vợ chồng. Tuy nhiên, để đáp ứng một cách kịp thời quyền lợi cho các thành viên trong gia đình, trong một số trường hợp, giao dịch của vợ, chồng liên quan đến tài sản chung có thể chỉ do một bên thực hiện, phía bên kia cho dù không biết hoặc biết nhưng không đồng ý vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm. Đó là các giao dịch dân sự hợp pháp, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình. Như nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác.
Chế định này được quy định tại Điều 27 Luật HNGĐ 2014, cụ thể như sau:
Ø Căn cứ vào khoản 1 Điều 27 Luật HNGĐ 2014:
· Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Ở đây, nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình (khoản 20 Điều 3 Luật HNGĐ 2014).
· Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật HNGĐ 2014.
Ø Căn cứ vào khoản 2 Điều 27 Luật HNGĐ 2014:
Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng quy định tại Điều 37 LHNGĐ 2014, trong đó nghĩa vụ liên đới từ các giao dịch do một bên thực hiện bao gồm:
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.