Nước mặt là một trong những tài nguyên quan trọng đối với một quốc gia vì vậy việc bảo vệ môi trường nước mặt là một trong những vấn đề cần thiết, cấp bách. Vậy pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt
Quy định chung về bảo vệ môi trường nước mặt
Căn cứ Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định về quy định chung về bảo vệ môi trường nước mặt như sau:
- Chất lượng nước, trầm tích và môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt phải được theo dõi, đánh giá; khả năng chịu tải của môi trường nước mặt phải được tính toán, xác định và công bố.
- Nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của môi trường nước mặt.
Không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm.
- Bảo vệ môi trường nước sông phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực, phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước.
Theo đó, bảo vệ môi trường nước mặt là quan tâm đến những vấn đề về chất lượng nước, trầm tích và môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt từ đó có phương hướng xử lý bảo vệ cụ thể...
Để bảo vệ môi trường nước mặt sẽ có những nội dung nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường 2020, có quy định về các nội dung của hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt gồm:
- Thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử lý nước thải xả vào môi trường nước mặt;
- Quan trắc, đánh giá chất lượng nước, trầm tích, môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt và công khai thông tin phục vụ quản lý, khai thác và sử dụng nước mặt;
- Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; công bố các khu vực môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải; đánh giá hạn ngạch xả nước thải vào môi trường nước mặt;
- Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi và cải thiện môi trường nước mặt bị ô nhiễm;
- Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích sông liên quốc gia và chia sẻ thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật và thông lệ quốc tế.
Như vậy, có 5 nội dung trong hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt.
Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường 2020, có quy định về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt phải thực hiện như sau:
- Hướng dẫn đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ; hướng dẫn đánh giá chất lượng môi trường nước mặt;
- Tổ chức thực hiện đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh; tổ chức kiểm kê, đánh giá nguồn thải, mức độ ô nhiễm và tổ chức xử lý ô nhiễm sông, hồ liên tỉnh; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường;
- Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh và giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, cải thiện chất lượng nước tại sông, hồ liên tỉnh.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải đảm bảo được trách nhiệm của mình trong hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt theo quy định pháp luật nêu trên.