Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội

Chủ đề   RSS   
  • #614459 24/07/2024

    Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội

    Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu xây dựng, ban hành và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

    1. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội

    Căn cứ Điều 136 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội như sau:
     
    - Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật về trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiến lược, kế hoạch phát triển bảo hiểm xã hội. Ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
     
    - Chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
     
    - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
     
    - Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
     
    - Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ quy định tại khoản 2 Điều 137 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
     
    - Chủ trì phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động.
     
    - Chủ trì phối hợp thực hiện công tác thống kê, thông tin về bảo hiểm xã hội.
     
    - Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về bảo hiểm xã hội.
     
    - Tổ chức nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội.
     
    - Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo của Chính phủ quy định tại khoản 5 Điều 135 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
     
    - Trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

    2. Trách nhiệm của Bộ Tài chính về bảo hiểm xã hội

    Căn cứ Điều 137 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính về bảo hiểm xã hội như sau:
     
    - Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế tài chính về bảo hiểm xã hội; quy định về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 120 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
     
    - Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội.
     
    - Chủ trì xây dựng nội dung về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, xây dựng báo cáo của Chính phủ quy định tại khoản 5 Điều 135 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
     
    - Chủ trì xây dựng báo cáo của Chính phủ quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
     
    - Trình Chính phủ quy định về hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; hạch toán, phân bổ các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội.
     
    - Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung; theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung; xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm hưu trí bổ sung; thực hiện công tác thống kê, thông tin về bảo hiểm hưu trí bổ sung.

    3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về bảo hiểm xã hội

    Căn cứ Điều 138 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về bảo hiểm xã hội như sau:
     
    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong phạm vi địa phương.
     
    - Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm sau đây:
     
    + Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;
     
    + Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình cơ quan có thẩm quyền quyết định;
     
    + Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;
     
    + Kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;
     
    + Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
     
    Trên đây là một số nội dung quy định về trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các cấp về bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
     
    52 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận