Một hợp đồng được giao kết mà không có người công chứng thì xem như hợp đồng đó không có ý nghĩa và vô hiệu nếu không có bên thứ ba giám định chứng thực giữa các bên trong hợp đồng.
Vì thế, công chứng là một công việc đòi hỏi người hành nghề phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ cũng như kinh nghiệm thực tế rất nhiều. Đặc biệt là công chứng các hợp đồng có giá trị lớn đòi hỏi người công chứng không được có bất kỳ sai phạm nào nếu không muốn gánh chịu hậu quả.
Trong trường hợp không mong muốn xảy ra mà do lỗi của công chứng viên dẫn đến sai phạm thì trách nhiệm bồi thường của công chứng sẽ ra sao?
1. Nghĩa vụ bồi thường trong hoạt động công chứng
Không có bất cứ ngành nghề nào mà không xảy ra sai phạm trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, doanh nghiệp thực hiện phải tiên lượng trước sự việc cũng như hậu quả xảy ra. Theo đó, việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng được quy định cụ thể tại Điều 38 Luật Công chứng 2014 như sau:
Việc bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác mà do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ đứng ra chi trả.
Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường.
Trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Ngoài ra, theo Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong quá trình thực hiện công việc như sau:
Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, nếu xảy ra thiệt hại mà nhân viên, người lao động cụ thể ở đây là công chứng viên vi phạm dẫn đến bồi thường hợp đồng công chứng thì người đứng ra chi trả bồi thường cho khách hàng sẽ là doanh nghiệp công chứng. Sau khi thực hiện bồi thường, thì tổ chức hành nghề công chứng có thể yêu cầu nhân viên của mình chi trả lại.
2. Bảo hiểm trách nhiệm trong hoạt động công chứng
Nhằm giảm thiểu hậu quả gánh chịu trong trường hợp cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng có xảy ra sai phạm thì yêu cầu đối với tổ chức đó phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm theo Điều 19 Nghị định 29/2015/NĐ-CP như sau:
Tổ chức hành nghề công chứng trực tiếp mua hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình.
Thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên được thực hiện chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng được đăng ký hành nghề.
Kinh phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của Phòng công chứng được trích từ quỹ phát triển sự nghiệp hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Khi đó, trong trường hợp mà tổ chức hành nghề đã mua bảo hiểm trách nhiệm thì phạm vi bảo hiểm sẽ chi trả các vấn đề sau:
Phạm vi bảo hiểm bao gồm thiệt hại về vật chất của người tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc của cá nhân, tổ chức khác có liên quan trực tiếp đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng mà những thiệt hại gây ra do lỗi của công chứng viên trong thời hạn bảo hiểm.
Tổ chức hành nghề công chứng hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong trường hợp được tổ chức hành nghề công chứng ủy quyền có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm về phạm vi bảo hiểm rộng hơn phạm vi bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 29/2015/NĐ-CP.
3. Mức phạt tiền đối với hoạt động công chứng
Trong quá trình hành nghề công chứng, công chứng viên phải thực hiện công chứng, chứng thực rất nhiều lĩnh vực và loại hợp đồng vì vậy không khỏi thiếu sót đối với những sai sót. Hiện nay, theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định một số lỗi mà công chứng viên sẽ bị xử phạt hành chính bao gồm:
(1) Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch: Phạt 07 triệu - 30 triệu đồng.
(2) nhận lưu giữ di chúc; công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản. Phạt 01 triệu - 15 triệu đồng.
(3) Công chứng bản dịch: Phạt 03 - 15 triệu đồng.
(4) Vi phạm hành nghề công chứng: Phạt 01 - 35 triệu đồng
(5) Hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng: Phạt 03 triệu - 50 triệu đồng (đây là mức phạt đối với tổ chức).
Lưu ý: Các mức phạt trên đều dành cho cá nhân ngoại trừ mục (5), đối với tổ chức hành nghề công chứng vi phạm thì mức phạt sẽ gấp 02 lần.
4. Truy cứu hình sự trong hoạt động công chứng
Đa phần dẫn đến các sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động công chứng các hợp đồng có giá trị lớn là do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi này đã vi phạm Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017) bao gồm các khung hình phạt sau:
Khung 1: Phạt cải tạo 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 05 năm.
Đối với người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Làm chết người.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
- Gây thiệt hại 100 triệu - dưới 500 triệu đồng.
Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Làm chết 02 người.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% - 200%.
- Gây thiệt hại 500 triệu - dưới 1.5 tỷ đồng.
Khung 3: Phạt tù từ 07 năm - 12 năm.
- Làm chết 03 người trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
- Gây thiệt hại 1.5 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm.
Như vậy, có thể thấy công chứng là nghề đem lại lợi nhuận cao trong lĩnh vực tư pháp vì bất kỳ giao dịch nào cũng yêu cầu công chứng hợp đồng để đảm bảo tính xác thực. Nhưng nó cũng đem lại nhiều rủi ro nếu công chứng viên xảy ra sai phạm trong quá trình hành nghề có thể đối mặc với trách nhiệm hình sự.