Vừa qua UBND TP.HCM đã có báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý 1 năm 2024 và phát hiện một số cán bộ có vi phạm. Trong đó, phát hiện 5 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, liên quan đến 7 người.
TP.HCM phát hiện 5 vụ tham nhũng, tiêu cực trong 3 tháng đầu năm 2024
Kết quả tổng hợp báo cáo của sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc TP.HCM, trong quý 1 - 2024 phát hiện 5 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, liên quan đến 7 người.
Trong đó, Công an TP.HCM 2 vụ có 2 người liên quan; Sở Y tế 2 vụ có 3 người liên quan và UBND quận 1 có 1 vụ có 2 người liên quan.
- Tại Công an TP.HCM, công an các đơn vị đã kiểm tra, xác minh, báo cáo kết quả đối với 5/5 đơn phản ánh hành vi có dấu hiệu liên quan tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ. Báo cáo cho biết năm vụ việc này đều là phản ánh hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong giải quyết vụ việc được giao.
Kết quả, Công an TP xác định đơn phản ánh tiêu cực của tổ tuần tra CSGT trên tuyến đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức vào ngày 15/8 có một phần đúng. Từ đó, đã xử lý không xét danh hiệu thi đua đối với hai cán bộ, khiến trách một cán bộ và cảnh cáo hai cán bộ.
- Tại Bệnh viện TP Thủ Đức xảy ra:
+ Vụ việc vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, Bệnh viện TP Thủ Đức và Công ty TNHH thiết kế xây dựng và dịch vụ Nam Phong.
+ Vụ nhân viên thu phí Bệnh viện TP Thủ Đức đã không nộp đủ số tiền thu chi từ tháng 01/2021 đến tháng 07/2021, số tiền hơn 7,9 tỉ đồng.
- Tại UBND quận 1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 1 đã phát hiện 1 vụ việc tham nhũng liên quan đến đơn tố cáo của người dân và hiện đang trong giai đoạn điều tra.
Đó là vụ án "nhận hối lộ" xảy ra tại vỉa hè công viên 23/9, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Báo cáo thể hiện năm 2016, Nguyễn Thanh Tùng được Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 ký hợp đồng lao động, đến năm 2021 được chuyển về làm trật tự đô thị UBND phường Phạm Ngũ Lão. Tùng đã có hành vi nhận tiền để không lập biên bản các hành vi lấn chiếm lòng lề đường.
Theo Báo Pháp Luật
Tham nhũng bao gồm những hành vi nào?
Theo Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định các hành vi tham nhũng cụ thể như sau:
- Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
+ Tham ô tài sản;
+ Nhận hối lộ;
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
+ Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
+ Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
+ Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
+ Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
+ Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
- Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
+ Tham ô tài sản;
+ Nhận hối lộ;
+ Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Như vậy, tham nhũng được chia ra thành 2 nhóm, nhóm hành vi do người trong khu vực nhà nước và nhóm hành vi do người trong khu vực ngoài nhà nước thực hiện.
Hành vi tham nhũng bị xử lý thế nào?
Theo Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng như sau:
- Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
- Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
- Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi tham nhũng sẽ bị kỷ luật, phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.