TP.HCM kiến nghị thực hiện cách ly xã hội đến hết 30.4

Chủ đề   RSS   
  • #543554 13/04/2020

    danusa
    Top 25
    Female
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/07/2008
    Tổng số bài viết (2776)
    Số điểm: 32598
    Cảm ơn: 943
    Được cảm ơn 1127 lần


    TP.HCM kiến nghị thực hiện cách ly xã hội đến hết 30.4

    Chiều ngày 13/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, thảo luận về các quyết sách thời gian tới.

    Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn TP có 54 ca nhiễm, trong đó, 35 trường hợp lây nhiễm ở nước ngoài chiếm 65%, 19 trường hợp lây nhiễm ở cộng đồng chiếm 35%.

    Hiện đã điều trị khỏi bệnh cho 40 trường hợp và chỉ còn 14 trường hợp đang điều trị. Đặc biệt, kể ngày 01/4/2020 triển khai cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh có 10 ngày không có ca nhiễm mới. Đối với các khu cách ly tập trung, tổng cộng có 12.000 trường hợp, trong đó, có 11.760 trường hợp đã hết thời gian cách ly và chỉ còn 240 trường hợp đang cách ly.

    Theo đó, để tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả, TP. Hồ Chí Minh luôn cảnh giác cao và không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, kiên định 06 nguyên tắc chống dịch và phương châm 05 tại chỗ; Tổ chức chấn chỉnh việc lơi lỏng cách ly xã hội, trong đó, yêu cầu người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hiện.

    Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác dự phòng thông qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát tại 62 chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch trên địa bàn; Tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho công nhân lưu trú trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.

    Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bản cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp.

    Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: Hiện nay, diễn tiến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nguy cơ xâm nhập ca bệnh từ các nước trên thế giới vẫn còn đang rất cao, đặc biệt là các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng và tiếp tục lây lan cho nhiều người.

    Vì vậy, những kết quả ban đầu mà chúng ta đã đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. Chính vì vậy, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ.

    Trong đó, tập trung cho công tác dự phòng và nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh; chăm lo đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

    Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình hình dịch bệnh, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4/2020 với tinh thần kiên định, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch

    Toàn văn bài phát viểu của Chủ tịch UBND TP.HCM:


    PHÁT BIỂU CỦA Đ/C CHỦ TỊCH UBND TP.HCM

    TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

    (Vào lúc 14g30, thứ hai, ngày 13/4/2020, tại trụ sở UBND TP)

    -----

    Kính thưa Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ; 

    Kính thưa lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và Lãnh đạo các địa phương; 

    Thưa các đồng chí,

    Hiện nay, TP.HCM đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM có 54 ca nhiễm. Trong đó, 32 ca nhiễm phát hiện tại 12 quận, huyện và 22 ca nhiễm phát hiện trong khu cách ly hoặc khách quốc tế đến thẳng bệnh viện sau khi nhập cảnh. 

    Phân tích yếu tố dịch tễ của 54 ca nhiễm cho thấy, lây nhiễm ở nước ngoài có 35 trường hợp, chiếm 65%, lây nhiễm ở cộng đồng có 19 trường hợp, chiếm 35%. 

    Trong số 54 ca nhiễm, đã điều trị khỏi bệnh cho 40 trường hợp và chỉ còn 14 trường hợp đang điều trị. Đặc biệt, kể ngày 01/4/2020 (ngày bắt đầu triển khai cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ), TP.HCM có 10 ngày không có ca nhiễm mới.

    Đối với các khu cách ly tập trung, tổng cộng có 12.000 trường hợp. Trong đó, có 11.760 trường hợp đã hết thời gian cách ly và chỉ còn 240 trường hợp đang cách ly, đây là những người tiếp xúc gần với các ca bệnh phát hiện sau cùng của TP.HCM. 

    Để tiếp tục phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ ngày 10/4/2020 đến nay TP.HCM đã triển khai các giải pháp trọng tâm sau:

    Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị    số 16 của Thủ tướng Chính phủ: 

    - TP.HCM luôn cảnh giác cao và không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, kiên định 06 nguyên tắc chống dịch và 05 phương châm tại chỗ. 

    - Tổ chức chấn chỉnh việc lơi lỏng cách ly xã hội. Trong đó, yêu cầu người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hiện.

    - Xử phạt nghiêm đối với những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Từ ngày 28/3/2020 đến nay, TP.HCM đã xử phạt 4.360 trường hợp vi phạm.

    Thứ hai, đẩy mạnh công tác dự phòng:

    Ngày 10/4/2020, TP.HCM tiếp tục tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty Phần mềm FPT tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Mục đích của đợt giám sát là để tiếp tục nhắc nhỡ các cơ quan, đơn vị nâng cao ý thức phòng, chống dịch, cũng như tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

    - Từ ngày 05/4/2020 đến nay, TP.HCM tăng cường kiểm tra, giám sát tại 62 chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch trên địa bàn, trong đó: 

        + Đã kiểm tra gần 182.000 xe ôtô, xe máy. 

        + Đã kiểm tra gần 299.000 người, trong đó có 913 người nước ngoài. Phát hiện 305 người có thân nhiệt cao, có 02 người nghi nhiễm đưa đi cách ly.

    - Tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho công nhân lưu trú trong các khu chế xuất, khu công nghiệp: đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.295 công nhân tại khu lưu trú của Khu chế xuất Tân Thuận. Kết quả 411 trường hợp âm tính, 884 trường hợp đang chờ kết quả. 

     

       Thứ ba, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bản cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp: 

    Tính đến nay, đã có 1.663 doanh nghiệp đã thực hiện tự đánh giá theo Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp do TP.HCM ban hành.

     Trong đó, liên quan đến Công ty PouYuen Việt Nam, Công ty tự chấm điểm theo Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại Công ty là 52%. 

    Lần 1, các cơ quan chức năng của thành phố đã đến trực tiếp Công ty để nghe báo cáo về biện pháp phòng, chống dịch và kiểm tra, rà soát kết quả tự đánh giá của Công ty. Kết quả Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại Công ty là 91%. 

    Lần 2, mặc dù Công ty đã nỗ lực khắc phục nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu an toàn phòng, chống dịch. Kết quả Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại Công ty là 81%.

    Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan chuyên ngành về tạm ngưng hoạt động sản xuất của Công ty để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. TP.HCM dù rất quan tâm đến doanh nghiệp, nhưng cũng đã cân nhắc, thảo luận rất kỹ, tham vấn ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị và thống nhất quan điểm: “việc tạm dừng hoạt động sản xuất của Công ty là rất cần thiết nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của công nhân và bảo vệ cho chính Công ty trước nguy cơ dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”. Đồng thời, ngày 11/4/2020, TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo liên quan đến Công ty PouYuen để TP.HCM thực hiện.   

    Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 2860 ngày 12/4/2020. Sáng ngày 13/4/2020, TP.HCM tổ chức Đoàn công tác tiếp tục đến làm việc với Công ty về công tác phòng, chống dịch, kết quả như sau: 

       (1) Công ty đã tổ chức đo nhiệt độ tất cả những người trước khi vào Công ty.

    (2) Công ty đã phát khẩu trang cho công nhân sử dụng, tỉ lệ công nhân đeo khẩu trang trong khi làm việc đạt 100%. Tuy nhiên số nhân viên bốc xếp và các công nhân khác khi ra khỏi xưởng chưa tuân thủ đeo khẩu trang.

    (3) Công ty đang lắp đặt các bồn rửa tay tại khu vực trước nhà ăn. Trong nhà ăn đang lắp đặt vách ngăn tạo khoảng cách giữa 2 người ăn.

    (4) Hiện tại Công ty vẫn chưa cắt giảm số lượng công nhân làm việc /ca nhằm đảm bảo khoảng cách theo quy định.

    (5) Lượng công nhân ra vào cổng giờ cao điểm vẫn tập trung đông, chưa đảm bảo khoảng cách theo quy định.

    (6) Trong xưởng làm việc, khoảng cách giữa các công nhân ở một số khu vực vẫn chưa đảm bảo theo quy định.

     Trước tình hình trên, trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế và các sở chuyên ngành, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty PouYuen Việt Nam từ 0 giờ, ngày 14 tháng 4  năm 2020 đến hết ngày 15 tháng 4 năm 2020. 

    Kính thưa các đồng chí, 

    Tại TP.HCM, về cơ bản đã không xuất hiện ca nhiễm nào tại cộng đồng từ ngày 03/4/2020 đến nay. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn cao, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đã quy định.

     Hiện nay, diễn tiến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nguy cơ xâm nhập ca bệnh từ các nước trên thế giới vẫn còn đang rất cao, đặc biệt là các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng và tiếp tục lây lan cho nhiều người (như trường hợp bệnh nhân 262 là công nhân của Công ty Samsung tại Bắc Ninh).

    Việc giao thương đi lại từ Hà Nội và các tỉnh thành vào TP.HCM vẫn còn nhiều, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người vào TP.HCM.

    Một số trường hợp sau thời gian điều trị, đã được xét nghiệm âm tính, cho xuất viện dương tính trở lại, xuất hiện dương tính trở lại, đi các nơi, tạo mối nguy cơ rất cao lây nhiễm trong cộng đồng (như trường hợp ca bệnh nhân số 22 tại Đà Nẵng,  điều trị từ ngày 08/3/2020-27/3/2020, từ Đà Nẵng, đến TP.HCM để xuất cảnh ngày 11/4/2020, mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất dương tính).

    Do vậy, những kết quả ban đầu mà chúng ta đã đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. Chính vì vậy, TP.HCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, nhất là làn sóng thứ 2 lây nhiễm, trong đó tập trung vào các giải pháp sau:

    Thứ nhất, tập trung cho công tác dự phòng: 

    - Giám sát chặt chẽ bằng xét nghiệm kiểm tra sau 5 ngày, 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà đủ 14 ngày đối với người bệnh sau xuất viện; xét nghiệm kiểm tra nhóm người tiếp xúc gần có nguy cơ cao (ổ dịch bar Buddha) và những trường hợp từ nơi khác vào thành phố, đặc biệt là những trường  hợp người nước ngoài (như ca bệnh số 22 vừa qua); đồng thời tổ chức theo dõi sức khỏe tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp được cách ly tập trung tại các tỉnh, thành về thành phố trong thời gian qua.

    - Luôn cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện, không bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất. Xem tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm.

      - Xem xét mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng: trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do…

    Việc tầm soát mở rộng trong cộng đồng được TP.HCM triển khai có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trãi, nhằm mục đích dự phòng, phát hiện sớm ca bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của Nhân dân

      - Rà soát, những trường hợp người dân sinh sống tại TP.HCM nhưng đã đến thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội và có tiếp xúc với các trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm, đặc biệt là bệnh nhân 262 và các F1, F2 liên quan.  

      - Chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên của TP.HCM ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến; hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được.

    - Thực hiện kế hoạch tổ chức sắp xếp lại năng lực ứng phó ngành y tế trong phát hiện kiểm soát và khống chế ổ dịch trong cộng đồng; tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng việc thu dung điều trị ở các bệnh viện điều trị COVID-19.

      - Tổ chức hậu kiểm việc cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp. Trường hợp không đảm bảo các yêu cầu thì tạm dừng hoạt động theo đúng Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2601. 

    Thứ hai, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch: 

    Tổ chức lại các Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch tại Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thành nhiều Tổ để thực hiện các nội dung sau:  

    + Tuần tra, giám sát việc tuân thủ cách ly xã hội. 

    + Xử phạt đối với những người không đeo khẩu trang nơi công cộng. 

    + Giãn cách mật độ mua sắm tại các chợ truyền thống để không tập trung đông người.

        + Giãn cách mật độ người dân tập thể dục thể thao tại các công viên.

      - Đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà trọ, nhà tạm bợ, nhà ven kênh rạch, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:  

       + Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhấn mạnh thành công của chiến lược phòng, chống dịch phụ thuộc vào việc tuân thủ của Nhân dân.  

       + Phát huy vai trò của Công đoàn trong các khu chế xuất, khu công nghiệp về phòng, chống dịch. Đặc biệt mỗi công nhân phải nghiêm túc thực hiện, tự giám sát lẫn nhau trong công tác phòng, chống dịch.

       + Tổ chức ký cam kết phòng, chống dịch đối với các chủ nhà trọ và có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn. 

    Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh: 

    - Đưa robot để lau dọn, phun thuốc khử trùng, vận chuyển đồ ăn và thuốc men tại các khu cách ly. 

    - Đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt.

    - Khuyến khích người dân thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện,…trên Cổng dịch vụ công.

    - Mở rộng danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và thực hiện trên Cổng dịch vụ công. 

    Thứ tư, chăm lo đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: 

    -  Triển khai Nghị quyết  của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

    -  Triển khai Nghị quyết của HĐND TP.HCM về một số chế độ chi phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch với tổng kinh phí là 2.700 tỷ đồng. 

      - Lựa chọn một số vụ án điểm thực hiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kịp thời đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe vi phạm theo hướng dẫn của Bộ Công an tại Công điện số 03 ngày 06/4/2020. 

      - Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông, nhất là phóng nhanh, vượt ẩu vì đường vắng do cách ly xã hội. 

    Hiện nay diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, đặc biệt là có thể trong cộng đồng vẫn còn tồn tại những người nhiễm nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng và do những lý do nào đó chưa được phát hiện.

    Do đó, để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình hình dịch bệnh, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4/2020 với tinh thần kiên định, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. 

    Xin trân trọng cảm ơn ! 

     
    1678 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn danusa vì bài viết hữu ích
    ntdieu (13/04/2020) admin (13/04/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận