Hiện nay, ngoài báo cáo về thuế cần nộp cho cơ quan thuế, doanh nghiệp còn có trách nhiệm nộp các báo cáo khác cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý. Một số báo cáo đó là:
1. Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi Báo cáo về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của năm trước (Mẫu số 33 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. (Căn cứ pháp lý: Khoản 7 Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP; Khoản 33 Điều 19 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.
2. Nếu trong tháng có sự biến động (tăng/giảm) về số lượng người lao động làm việc; thì trước ngày 03 của tháng liền kề, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi Thông báo về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị (Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Trường hợp, doanh nghiệp giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. (Căn cứ pháp lý: Khoản 6 Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).
3. Định kỳ 06 tháng và hằng năm (trước ngày 05 tháng 6 và trước ngày 05 tháng 12), doanh nghiệp phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi. (Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
4. Trước ngày 05/07 và ngày 05/01 của năm sau, người sử dụng lao động nước ngoài báo cáo 6 tháng đầu năm và hàng năm về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo Mẫu số 07/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/06 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo hằng năm tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo. (Căn cứ pháp lý: Điều 6 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).
5. Người sử dụng lao động phải tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình; mở Sổ thống kê tai nạn lao động (Mẫu Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH); cập nhật đầy đủ, kịp thời vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày phần mềm hoạt động; trong đó, xác định yếu tố chính gây chấn thương theo danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH. Từ việc thống kê này, doanh nghiệp phải gửi Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động (Mẫu Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP) đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Báo cáo gửi trước ngày 05 tháng 7 hằng năm đối với số liệu 06 tháng đầu. Lưu ý: Doanh nghiệp có trách nhiệm đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình cho người lao động được biết và phải được công bố trước ngày 10 tháng 7 đối với số liệu 06 tháng đầu. (Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, Điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH).
6. Định kỳ 06 tháng và hàng năm, doanh nghiệp phải báo cáo về việc quản lý sức khỏe người lao động thuộc trách nhiệm quản lý của mình thông qua Báo cáo y tế lao động (Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BYT) cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế có thẩm quyền biết. Báo cáo phải gửi trước ngày 05 tháng 07 đối với số liệu 06 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm liền sau đối với số liệu cả năm. Nơi nộp: Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đặt trụ sở chính của cơ sở lao động. (Căn cứ pháp lý: Điều 27 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015).
7. Định kỳ vào cuối tháng 11 hàng năm, cơ sở đã được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải có trách nhiệm thống kê, báo cáo với cơ quan Công an quản lý địa bàn về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo các nội dung sau:
(1) Thực trạng công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện gồm có:
- Số lượng, chất lượng, chủng loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã trang bị.
- Cách thức thực hiện bảo quản, bảo dưỡng.
(2) Kết quả thực hiện kết luận kiến nghị thanh tra, kiểm tra của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (nếu có).
(3) Kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Chú ý: Nếu phương tiện phòng cháy, chữa cháy được trang bị hư hỏng, cơ quan, tổ chức, cơ sở phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền
(Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 10 Thông tư 17/2021/TT-BCA).
8. Định kỳ hàng năm, doanh nghiệp phải gửi Báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động (Mẫu Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH) về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Y tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; Báo cáo này phải được gửi trước ngày 10 tháng 01 của năm sau. (Căn cứ pháp lý: Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH).
Hy vọng thông tin của mình hữu ích đến mọi người. Mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn ạ.