Tổng hợp điểm mới Thông tư nổi bật có hiệu lực từ 01/01/2015

Chủ đề   RSS   
  • #364981 26/12/2014

    ThanhLongLS
    Top 500
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:25/07/2009
    Tổng số bài viết (244)
    Số điểm: 8120
    Cảm ơn: 28328
    Được cảm ơn 594 lần
    ContentAdministrators

    Tổng hợp điểm mới Thông tư nổi bật có hiệu lực từ 01/01/2015

    Dân Luật điểm qua những Thông tư nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

    1. Giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng

    Thông tư 173/2014/TT-BTC điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi nhiều mặt hàng tại Thông tư 164/2013/TT-BTC. Cụ thể như sau:

    - Xe ô tô có nội thất được thiết kế như căn hộ (mã hàng 8703.23.40; 8703.24.70) giảm từ 67% xuống còn 64%.

    - Xe bốn bánh chủ động (mã hàng 8703.24.51, 8703.24.91) giảm từ 59% xuống còn 55%.

    - Xe có động cơ để vận tải hàng hóa tổng trọng lượng có tải tối đa không quá 5 tấn (mã hàng 8704.10.23) giảm từ 59% xuống còn 56%.

    - Mô tô và xe đạp có động cơ phụ trợ, có hoặc không có thùng xe bên cạnh; mô tô thùng (mã hàng 8711.50.90) giảm  47% xuống 40%.

    - Cá, đông lạnh, trừ phi-lê cá và các loại thịt khác thuộc nhóm 03.04 (mã hàng 0303.19.00) giảm từ 19% xuống còn 18%.

    2. Tổ chức tín dụng không được ủy thác để đầu tư dự án KD

    Theo Thông tư 30/2014/TT-NHNN tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (TCTD) không được ủy thác, nhận ủy thác cho vay trong các trường hợp:

    - Đối tượng ủy thác thuộc trường hợp không được cấp tín dụng.

    - Đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh; trừ công ty tài chính vẫn cho phép thực hiện.

    - Góp vốn, mua cổ phần; trừ Ngân hàng thương mại vẫn thực hiện được.

    - Mua trái phiếu của TCTD khác.

    TCTD khi nhận ủy thác không phải phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro đối với số dư ủy thác, còn khi ủy thác thì ngược lại.

    Các hoạt động ủy thác ký trước ngày 01/01/2015 được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn hợp đồng và không được gia hạn.

    Hợp đồng trên chỉ được sửa đổi, bổ sung khi nội dung thay đổi phù hợp với Thông tư này và quy định liên quan.

    3. Hướng dẫn chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT

    Cuối tháng 11/2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư 37/2014/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung liên quan đến chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó:

    - Người bệnh có thẻ BHYT được chuyển tuyến khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế;

    - Người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện hạng I, II thuộc huyện nơi người tham gia BHYT cư trú được xác định là đúng tuyến;

    - Từ 01/01/2016, người tham gia BHYT được quyền khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tương đương trong cùng địa bàn tỉnh với cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu;

    - Trường hợp cấp cứu, sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại các khoa của cơ sở khám chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh hoặc cơ sở khám chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn.

    4. Xe khách giường nằm không được chạy đường núi

    Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, theo đó:

    - Không được sử dụng xe khách có giường nằm hai tầng để hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi từ 01/07/2015.

    - Từ 01/07/2016, khoang chở hành lý của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch phải được chia thành các ngăn theo quy định để hành lý không bị xê dịch, đảm bảo an toàn của xe trong quá trình vận chuyển.

    Thông tư 63 Bãi bỏ Thông tư 18/2013/TT-BGTVT, 23/2014/TT-BGTVT.   

    5. Trích khấu hao tài sản cố định trong cơ quan nhà nước

    Thông tư 162/2014/TT-BTC thêm điều khoản quy định về trích khấu hao tài sản cố định của cơ quan, tổ chức, đơn vị như sau:

    - Tài sản không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết: chỉ tính hao mòn tài sản, không trích khấu hao.

    - Tài sản tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết: phải trích khấu hao tài sản cố định (trừ trường hợp liên kết tạo ra pháp nhân mới hoặc cho thuê).

    6. Tăng số sinh vật phải kiểm dịch thực vật

    Từ ngày 01/01/2015, danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật lên đến 114 sinh vật, trong đó một số nhóm tăng số lượng như sau:

    - Côn trùng tăng từ 22 lên 60 sinh vật;

    - Thêm 03 sinh vật Nhện vào danh sách cần kiểm dịch;

    - Tăng số Tuyến trùng từ 5 lên 13 sinh vật.

    Những sinh vật này đều chưa có trên lãnh thổ Việt Nam.

    Đối với nhóm sinh vật phân bố hẹp trên lãnh thổ Việt Nam thì giảm từ 12 xuống còn 7 sinh vật.

    Nội dung nêu trên được đề cập tại Thông tư 35/2014/TT-BNNPTNT .   

    7. Điều kiện kinh doanh tại chợ đầu mối, đấu giá nông sản

    Theo Thông tư 24/2014/TT-BNNPTNT, để được kinh doanh tại chợ đầu mối, đấu giá nông sản tổ chức, cá nhân cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    - Phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm tại Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ;   

    - Chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh phải được khám sức khỏe và có xác nhận đủ sức khỏe theo quy định;

    - Chỉ sử dụng hóa chất tẩy rửa, sát trùng theo quy định;

    - Trường hợp sử dụng phụ gia thực thẩm phải đảm bảo theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ;

    - Chấp hành sự kiểm tra về an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước và ban quản lý chợ;

    - Và các yêu cầu khác như: giữ vệ sinh khu vực kinh doanh; quét dọn, tẩy rửa, khử trùng sau khi kết thúc kinh doanh trong ngày; không bày bán sản phẩm sơ chế, chế biến trực tiếp trên nền chợ…

    Ngoài ra, các điều kiện về địa điểm; nước, nước đá sử dụng tai chợ; trang thiết bị, dụng cụ; vận chuyển sản phẩm; thu gom phế thải, phế liệu... cũng được quy định cụ thể tại Thông tư.

    Riêng các chợ hoạt động trước giai đoạn này sẽ phải đảm bảo đủ điều kiện từ ngày 01/01/2016.

    8. Tăng hạn ngạch nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu

    Trong năm 2015, lượng thuốc lá nguyên liệu (mã HS 2401) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan sẽ tăng lên thành 46.305 tấn (hạn ngạch năm 2014 là 44.100 tấn).

    Hạn ngạch này được phân giao cho thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu và có nhu cầu sử dụng cho sản xuất thuốc lá điếu một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu do Bộ Công Thương xác nhận. 

    Nội dung trên được quy định tại Thông tư 49/2014/TT-BCT.   

    9. Danh mục thuốc tân dược được BHYT chi trả

    Giữa tháng 11/2014, Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế kèm theo Thông tư 40/2014/TT-BYT.   

    Theo đó, gồm 845 hoạt chất, 1064 thuốc tân dược; 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu.

    Danh mục này là cơ sở để quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc sử dụng cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

    Thông tư 40 thay thế Thông tư 31/2011/TT-BYT, 10/2012/TT-BYT .    

    10. Thay đổi quy định về kiểm tra muối nhập khẩu

    Thông tư 34/2014/TT-BNNPTNT về việc kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu thay thế cho Thông tư 60/2011/TT-BNNPTNT có những nội dung đáng chú ý sau: 

    - Thời gian lưu mẫu kiểm tra tối đa là 90 ngày kể từ ngày cơ quan kiểm tra ra Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu.

    Đối với các lô hàng sau thì vẫn áp dụng quy định kiểm tra theo Thông tư 60:  

    - Các lô hàng đã xếp hàng lên phương tiện vận tải có ngày xếp hàng trên vận đơn hoặc ngày hàng về đến cửa khẩu trước ngày 01/01/2015.

    - Lô hàng đã mở L/C hoặc có chứng từ thanh toán trước ngày 01/01/2015.

    11. Hàng loạt các hành vi bị cấm để bảo vệ bí mật Ngành tài chính

    Thông tư 161/2014/TT-BTC quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước của Ngành tài chính, gồm:

    - Thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tiêu hủy trái phép tài liệu mật.

    - Truyền thông tin mang nội dung bí mật nhà nước qua máy điện thoại, phát sóng, điện báo, Fax, mạng vi tính, Internet hoặc phương tiện truyền tin khác chưa được mã hóa.

    - Cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài liệu mật hoặc mang tài liệu mật ra nước ngoài, đi công tác khi chưa được phép hoặc không được phép.

    - Sao chụp tài liệu mật; ghi âm, ghi hình thông tin, hình ảnh mang nội dung bí mật nhà nước khi chưa được phép.

    - Lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    - Sử dụng máy tính (cả xách tay) có kết nối mạng để soạn thảo, đánh máy, lưu giữ các loại tài liệu mật; cắm thiết bị lưu giữ bí mật nhà nước vào máy tính có kết nối mạng.

    - Các hành vi khác vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Tài chính.

    Đồng thời, quy định định kỳ 6 tháng trước ngày 15/6 và 15/12 hàng năm, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ báo cáo số lượng văn bản mật đến và đi để tổng hợp thống kê và phục vụ công tác báo cáo.

    12. Khung giá tối đa một số dịch vụ điều trị nghiện bằng thuốc thay thế

    Ngày 14/11/2014, Bộ Y tế và Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch 38/2014/TTLT-BYT-BTC quy định mức tối đa khung giá của 7 dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại cơ sở điều trị của Nhà nước như sau:

    - Dịch vụ khám ban đầu : 48.000 đồng/lần khám/người.

    - Dịch vụ khám khởi liều điều trị: 25.000 đồng/lần khám/người.

    - Dịch vụ khám định kỳ: 20.000 đồng/lần khám/người.

    Trong đó, mức giá cho 3 dịch vụ trên không bao gồm xét nghiệm và thuốc.

    - Dịch vụ cấp phát thuốc tại cơ sở điều trị thay thế: 10.000 đồng/lần/người/ngày.

    - Dịch vụ cấp phát thuốc tại cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế: 10.000 đồng/lần/người/ngày.

    Trong đó, mức giá cho 2 dịch vụ trên  không bao gồm thuốc.

    - Dịch vụ tư vấn cá nhân là 10.000 đồng/lần/người và tư vấn nhóm là 5.000 đồng/lần/người (không bao gồm thuốc và xét nghiệm).

    13. Mức hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội

    Thông tư liên tịch 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có những điểm đáng chú ý sau:

    Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại hộ gia đình tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 136/2013/NĐ-CP được hỗ trợ tiền ăn 40.000 đồng/người/ngày.

    Trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người có công với cách mạng phải điều trị bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho đối tượng tương ứng.

    Đối với đối tượng không thuộc diện trên mà không còn thân nhân được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho đối tượng thuộc hộ nghèo.

    Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội là mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương.

    Có một điều không bao giờ thay đổi, đó là " Mọi thứ đều thay đổi"

     
    5242 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận