LUẬT
1. Luật Lâm nghiệp 2017: Cấm dùng mật gấu, sừng tê giác…
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 và thay thế Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004.
Theo đó, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm sau:
- Sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.
- Đưa chất thải, hoá chất độc hại, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy vào rừng trái quy định, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật.
- Cấm tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Cấm phân biệt đối xử về giới trong giao rừng, cho thuê rừng.
2. Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng 2017: 5 phương án để giải quyết ngân hàng yếu kém
Luật này có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 và sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Theo đó, để xử lý các ngân hàng yếu kém có 5 phương án:
- Phương án phục hồi;
- Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp;
- Phương án giải thể;
- Phương án chuyển giao bắt buộc;
- Phương án phá sản.
Trong đó, mỗi phương án đều phải có điều kiện thực hiện, xây dựng và phê duyệt phương án cùng nội dung và cách tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, đối với phương án giải thể, phá sản, ngân hàng được phép vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và của các tổ chức tín dụng khác.
Chi tiết Toàn văn điểm mới Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 sẽ đựơc cập nhật sớm nhất đến các bạn.
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài: bổ sung chế độ với con của thành viên đại diện
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 và sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCNVN ở nước ngoài 2009
Theo đó, thành viên cơ quan đại diện được hưởng thêm các chế độ sau đây:
- Được cấp chi phí đi lại nếu cha, mẹ hoặc cha, mẹ của vợ (chồng) hoặc vợ, chồng, con của thành viên cơ quan đại diện chết.
- Được hỗ trợ một phần học phí tại quốc gia tiếp nhận và chi phí mua bảo hiểm KCB đối với con chưa thành niên đi theo.
4. Luật Thủy sản 2017: Phạt tối đa 1 tỷ đồng nếu vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 và thay thế Luật thủy sản 2003 với 1 số điểm mới sau đây:
- Tăng mức phạt tối đa trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản đối với cá nhân lên 1 tỷ đồng.
- Nhà nước có chính sách đầu tư mua bảo hiểm nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo; bảo hiểm thuyền viên; bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị cho tàu cá khai thác thủy sản trên biển từ vùng khơi trở ra.
- Cấm khai thác thủy sản bất hợp pháp và không báo cáo, không theo quy định.
- Cấm lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
5. Luật Quản lý nợ công 2017: Quy định rõ hình thức xử lý vi phạm quản lý nợ công
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 và thay thế Luật Quản lý nợ công 2009.
Theo đó, Luật này có các điểm mới đáng chú ý như sau:
- Đưa quy định về bản tin nợ công tại Nghị định 79/2010/NĐ-CP vào Luật Quản lý nợ công 2017, cụ thể, bản tin nợ công được Bộ Tài chính phát hành 06 tháng/lần bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Anh dưới dạng ấn phẩm và dữ liệu trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
- Cấm các trường hợp vay, cho vay, bảo lãnh không đúng thẩm quyền hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vượt hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
- Cấm sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ.
- Xử lý vi phạm trong quản lý nợ công, cụ thể:
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nợ công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
6. Luật Quy hoạch: Sửa đổi 25 Luật
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, kèm theo 3 Phụ lục.
Trong đó:
- 39 Quy họach ngành quốc gia
- 39 Quy họach có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành
- 25 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Quy họach.