Từ các giải đáp vướng mắc của TANDTC, dưới đây mình đã tổng hợp 08 vấn đề mà những ai quan tâm đến vấn đề vay tiền cần lưu ý:
Vướng mắc 1:
- Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi thu được từ việc cho vay hay là khoản tiền lãi thu được sau khi trừ đi tiền lãi theo quy định của Bộ luật Dân sự?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...”. Do đó, khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Vướng mắc 2:
- Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự trong vụ án là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay hay số tiền lãi thu được của từng người vay?
Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Vướng mắc 3:
- Khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay lãi nặng bị tịch thu sung công hay trả lại cho người vay?
Theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Do đó, khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Vướng mắc 4:
- Khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay và khoản lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm có xác định là phương tiện phạm tội để tịch thu sung quỹ nhà nước hay trả cho người phạm tội?
Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này.
Vướng mắc 5:
- Người vay tiền trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tham gia tố tụng với tư cách là bị hại hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan?
Theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì người vay tiền trong trường hợp này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Vướng mắc 6:
- Trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có bắt buộc phải trưng cầu giám định về tiền lãi không?
Tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP ngày 13-12-2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thì việc xác định tiền lãi, tiền lãi nặng trong vụ án này không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp.
Vướng mắc 7
-Trường hợp lãi suất cho vay trong hợp đồng tín dụng cao hơn 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố thì Tòa án căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 hay khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết vụ án?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng... thì áp dụng theo quy định của Luật này”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
Do vậy, đối với hợp đồng vay mà một bên là tổ chức tín dụng thì lãi suất của hợp đồng vay được thực hiện theo thỏa thuận mà không theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005.
Vướng mắc 8:
- Trường hợp người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích vay vốn, tức là dùng vốn vay với mục đích ban đầu là đầu tư, kinh doanh, sản xuất nhưng sau đó tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại dẫn đến không trả được nợ thì có được coi là “sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” và có bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 không?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù cỏ điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. So với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 của Bộ luật Hình sự năm 1999, điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm tình tiết “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Như vậy, người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích xin vay vốn nhưng không sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền, sản xuất, buôn bán ma túy...) mà dùng vốn vay để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại...) dẫn đến khi đến hạn họ không có điều kiện, khả năng trả nợ thì không coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản để xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì, tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản...) thì bị xử lí trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Căn cứ:
Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến vướng mắc trong xét xử
Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính
Văn bản 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp vấn đề nghiệp vụ
Tôi yêu Việt Nam! "Từ bao lâu tôi đã yêu nụ cười của bạn Từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam Những con đường nên thơ và những dòng sông ước mơ Từ trái tim xin 1 lời Tôi yêu Việt Nam"