Tổng hợp 07 dự án Luật mới lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV

Chủ đề   RSS   
  • #592579 20/10/2022

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Tổng hợp 07 dự án Luật mới lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV

    Sáng ngày 20/10/2022, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 4. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến 07 dự án Luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
     
    tong-hop-07-du-an-luat-moi-thong-qua-tai-ky-hop-thu4-quoc-hoi-khoa-xv
     
    1. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
     
    ​Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 (trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều). Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 này.
     
    Những chính sách mới trong nội dung dự thảo Luật gồm: Đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
     
    Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản...
     
     
    2. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
     
    Tại Nghị quyết 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trong đó, có dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự thảo Luật có 7 chương, 80 điều; so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 49 điều, bổ sung 29 điều, bổ sung 1 chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Với kế hoạch trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
     
    Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) xác định các nguyên tắc xây dựng cơ bản, gồm: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, có sự kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên cơ sở tăng cường nhận thức và năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
     
     
    3. Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)
     
    Thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung, sửa đổi Luật Đấu thầu 2013. Trong đó, dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi gồm 10 chương, 98 điều, so với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.
     
    Nội dung tập trung vào 05 nhóm chính sách lớn, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu thầu. Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về hình thức, phương thức tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Đồng thời, khắc phục bất cập, hạn chế, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu, hoàn thiện quy định về ưu đãi, hỗ trợ sản xuất trong nước.
     
    Dự thảo Luật có những chính sách mới, cụ thể như: Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu,...
     
     
    4. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi)
     
    Khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành Luật Giá 2012, nhất là sự  chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá;…
     
    Ngày 20/10/2022, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 4 cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 72 điều: Theo đó, bố cục Luật sửa đổi về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. 
     
    So với Luật hiện hành, tại dự án Luật đã bổ sung mới 3 chương, bao gồm: Chương 3 về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước nhằm thể hiện rõ mục tiêu tăng cường phân công, phân cấp, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước trong triển khai công tác quản lý nhà nước về giá; Chương 5 về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và Chương 7 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.
     
     
    5. Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
     
    Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào ngày 20/10/2022. Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) lần này gồm 8 chương, 56 Điều, tăng hơn 2 Điều so với Luật hiện hành. 
     
    Dự thảo Luật đã kế thừa hợp lý các quy định hiện hành, bổ sung quy định mới như quy định một chương mới về dịch vụ tin cậy, sửa đổi và bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục những bất cập trong thời gian vừa qua.
     
    Dự thảo lần này cũng quy định chi tiết cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Bổ sung quy định điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại, bổ sung các quy định về chứng thư điện tử.
     
    Bên cạnh đó, đi vào một số vấn đề cụ thể như về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, Ủy ban Khoa học,Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về nền tảng chung kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn, an ninh thông tin,...
     
     
    6. Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
     
    Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bổ sung đối tượng điều chỉnh gồm: tổ hợp tác (THT) và Liên đoàn Hợp tác xã (HTX), bãi bỏ 04 Điều , sửa đổi 70  Điều, bổ sung 50 Điều (trong đó có 04 Chương về Liên đoàn HTX (03 Điều), THT (09 Điều), Kiểm toán (04 Điều) và Chính sách hỗ trợ (06 Điều)) và được thiết kế gồm 05 Phần, 15 Chương, 120 Điều. 
     
    Qua đó, cụ thể hóa 5 nhóm chính sách: 
     
    (1) Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX.
     
    (2) Nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện.
     
    (3) Nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển.
     
    (4) Nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác.
     
    (5) Nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Dự thảo sẽ nhấn mạnh một số điểm mới, được kỳ vọng mang tới cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác sự bứt phá trong giai đoạn tới.
     
     
    7. Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự
     
    Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội quyết định. Ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự.
     
    Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 71 điều. Trên cơ sở các chính sách được thông qua, dự thảo luật được xây dựng với các nội dung cơ bản: Hoạt động phòng thủ dân sự, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự. 
     
    Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự.
     
    Quy định bãi bỏ một số điều của luật có liên quan đến phòng thủ dân sự, thời điểm có hiệu lực và trách nhiệm thi hành luật.
     
     
    1474 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    admin (25/03/2023) ThanhLongLS (21/10/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận