Chào bạn,
Dựa trên các thông tin mà bạn cung cấp, tôi xin có một số ý kiến về các vấn đề mà bạn thắc mắc như sau:
Thứ nhất, hành vi của Ông C (con bà B) phạm tội gì?
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì Ông C có hành vi đem 02 lít xăng châm lửa đốt nhà ông L trong khi có vợ và con ông L đang ngủ trong nhà. Vì chưa biết rõ một số tình tiết quan trọng khác, tôi xin đưa ra ý kiến theo các hướng sau:
-
Nếu C biết rõ có vợ và con ông L đang ở trong nhà và hành vi đốt nhà vào lúc 4h30p sáng của ông C nhằm mục đích giết cả vợ và con ông L thì hành vi của C có thể bị truy cứu TNHS về tội tội giết người theo Điều 93, BLHS hiện hành. Cụ thể Điều này quy định như sau:
“Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
l) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”
Cũng theo thông tin mà bạn cung cấp thì may mắn ở xóm phát hiện kịp thời và dập lửa dẫn đến không ảnh hưởng gì đến người và tài sản nên căn cứ tại Điều 18 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009, hành vi của ông C lúc này thuộc trường hợp Phạm tội chưa đạt. Cụ thể quy định này như sau:
“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện phạm tội nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội’.”
Khoản 3 Điều 52 Bộ luật Hình sự quy định: ‘‘Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nếu là tù có thời hạn thì mức phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà luật này quy định.”
Như vậy, nếu C thực hiện hành vi đốt nhà với mục đích nhằm giết vợ và con ông L thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người.
(2) Hành vi của C chỉ nhằm hủy hoại tài sản của nhà ông L.
Xét hành vi của ông C đổ xăng đốt nhà ông L, hành vi của ông C là hành vi huỷ hoại tài sản của người khác. Tuy nhiên theo thông tin bạn cung cấp thì do được hàng xóm dập lửa kịp hời nên không ảnh hưởng gì đến người và tài sản nên không phạm Tội hủy hoại tài sản của người khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999( sửa đổi 2009) :
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Và theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ – CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội,; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định :
"2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;”
như vậy, nếu hành vi đốt nhà của ông c chỉ nhằm hủy hoại căn nhà của gia đình ông L mà chưa gây thiệt hại trên 02 triệu thì có thể bị xử phạt hành chính từ 02 triệu đến 05 triệu."
Thứ hai, hành vi “vu khống” rằng vợ ông L ở với chồng bà B trên 10 năm và có con với chồng bà khiến vợ ông L bị ông L đánh đạp, đuổi đi khỏi nhà, châm lửa đốt nhà cháy hết có phạm tội không?
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bà C đã cố tình đưa ra những thông tin không đúng sự thật: bịa đặt chuyện vợ ông L ở với chồng bà B trên 10 năm và đã có con nhằm xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của vợ ông L nên căn cứ Khoản 1 Điều 122, hành vi này của bà B có thể bị xem xét truy tố về tội vu khống.
"Điều 122. Tội vu khống
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm."
Thứ ba, về hành vi nhiều lần không chấp hành giấy mời của cơ quan có thẩm quyền?
Về vấn đề này để nhận được ý kiến tư vấn chính xác hơn, bạn cần cung cấp thêm thông tin về việc bà B không chấp nhận giấy mời của cơ quan có thẩm quyền nào? liên quan đến loại việc nào, được triệu tập/mời tham gia với tư cách gì. Bởi hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu. Tuy nhiên, nếu người nhận được giấy mời làm việc của công an có liên quan đến một vụ án hình sự mời đến phối hợp cung cấp thông tin để điều tra vụ án thì người đó cần đến để hợp tác điều tra vụ việc. Trong trường hợp, không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan công an. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ tố tụng (bắt buộc) đối với các đối tượng sau:
- Bị can: phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát (theo khoản 3 Điều 49).
- Bị cáo: phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (theo khoản 3 Điều 50).
- Người bị hại: là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án (theo Điều 51).
- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại (theo khoản 3 Điều 52).
- Bị đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. (theo khoản 3 Điều 53).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình (theo khoản 2 Điều 54).
- Người làm chứng: người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án (theo khoản 4 Điều 55).
Trên đây là ý kiến chia sẻ của tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc. Việc đưa ra ý kiến dựa trên thông tin mà bạn cung cấp cũng như các quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp cần trao đổi thêm hoặc có vấn đề gì sai sót vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ dưới đây.
Trân trọng cảm ơn,
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thị Trà
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.