20. Mở rộng đối tượng được xem là hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị
Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được chia thành Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng 1 và binh sĩ dự bị hạng 2.
* Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng 1
- Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã phục vụ tại ngũ đủ 06 tháng trở lên.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã qua chiến đấu.
- Công dân nam thôi phục vụ trong CAND, đã có thời gian phục vụ từ 20 tháng trở lên.
- Công dân nam là quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ.
- Công dân nam là công nhân, viên chức quốc phòng được chuyển chế độ từ hạ sĩ quan, binh sĩ đã thôi việc.
- Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia DQTV, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ DQTV thường trực hoặc đã qua huấn luyện tập trung đủ 03 tháng trở lên.
- Công dân là binh sĩ dự bị hạng 2 đã qua huấn luyện tập trung đủ 06 tháng trở lên.
- Công dân hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên.
* Binh sĩ dự bị hạng 2
- Công dân nam là binh sĩ xuất ngũ, đã phục vụ tại ngũ dưới 06 tháng.
- Công nhân, viên chức quốc phòng không thuộc đối tượng công dân nam là công nhân, viên chức quốc phòng được chuyển chế độ từ hạ sĩ quan, binh sĩ đã thôi việc.
- Công dân nam thôi phục vụ trong CAND đã có thời gian phục vụ dưới 12 tháng.
- Công dân nam hết độ tuổi gọi nhập ngũ chưa phục vụ tại ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND.
- Công dân nữ đã đăng ký NVQS theo hình thức tự nguyện và quân đội có nhu cầu.
(Căn cứ Điều 24 Luật nghĩa vụ quân sự 2015)
21. Quy định cụ thể về việc huấn luyện, diễn tập của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị
* Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng 1:
- Phải tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên với tổng thời gian không quá 12 tháng.
- Thủ tướng Chính phủ quyết định số lượng hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một được gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu hằng năm.
- Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị quân đội; quy định số lần và thời gian huấn luyện của mỗi lần; giữa các lần huấn luyện, được gọi hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị tập trung để kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong thời gian không quá 07 ngày; trường hợp cần thiết được quyền giữ hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị ở lại huấn luyện thêm không quá 02 tháng nhưng tổng số thời gian không vượt quá thời gian quy định tại.
- Việc huấn luyện đối với binh sĩ dự bị hạng 2 do Chính phủ quy định.
(Căn cứ Điều 27 Luật nghĩa vụ quân sự 2015)
22. Bổ sung quy định kiểm tra sức khỏe với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị
Ngoài việc kiểm tra sức khỏe do UBND cấp huyện chỉ đạo phòng y tế phối hợp với cơ quan y tế cấp huyện phụ trách, quy định thêm:
Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đã biên chế vào đơn vị dự bị động viên trước khi tập trung huấn luyện, diễn tập được kiểm tra sức khỏe.
(Căn cứ Điều 28 Luật nghĩa vụ quân sự 2015)
23. Sinh viên được kéo dài tuổi NVQS đến hết 27 tuổi
Đó là nội dung mới quan trọng tại Luật NVQS 2015, theo đó, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 đến hết 25 tuổi, riêng với trường hợp sinh viên đại học, cao đẳng đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
(Căn cứ Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự 2015)
24. Quy định cụ thể tiêu chuẩn gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND
Cụ thể:
* Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn:
- Lý lịch rõ ràng.
- Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
- Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định.
- Có trình độ văn hóa phù hợp.
* Tiêu chuẩn công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND:
- Công dân có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khoẻ, có nguyện vọng và năng khiếu phù hợp với công tác công an thì có thể được tuyển chọn vào CAND.
- CAND được ưu tiên tuyển chọn sinh viên, học sinh xuất sắc tốt nghiệp ở các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề có đủ tiêu chuẩn để đào tạo, bổ sung vào CAND.
(Căn cứ Điều 31 Luật nghĩa vụ quân sự 2015)
25. Công nhận binh sĩ tại ngũ
Công dân đến 17 tuổi, có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong QĐND, có đủ tiêu chuẩn theo quy định pháp luật, đang học tập tại nhà trường quân đội thì được công nhận là binh sĩ tại ngũ.
(Căn cứ Điều 32 Luật nghĩa vụ quân sự 2015)
26. Quy định số lần và thời điểm gọi nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ CAND
- Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND 01 lần vào tháng 02 hoặc tháng 03.
- Trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND lần thứ 2. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND.
(Căn cứ Điều 33 Luật nghĩa vụ quân sự 2015)
27. Phân định thẩm quyền quyết định gọi công dân nhập ngũ và nghĩa vụ CAND
- Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian, số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND cấp tỉnh; quyết định gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND lần thứ 2; quyết định điều chỉnh số lượng, thời gian gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND đối với cấp tỉnh theo quy định nêu trên.
- Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND cho đơn vị thuộc quyền ở từng địa phương cấp tỉnh.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giao số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND cho địa phương cấp huyện.
- Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc giao số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND cho địa phương cấp huyện, cấp xã và cơ quan, tổ chức trên địa bàn; chỉ đạo tuyển chọn công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND.
- Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giao số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND cho địa phương cấp xã và cơ quan, tổ chức trên địa bàn; quyết định danh sách công dân gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND theo đề nghị của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cùng cấp.
- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân nhập ngũ; Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân thực hiện nghĩa vụ CAND. Lệnh gọi nhập ngũ, gọi thực hiện nghĩa vụ CAND phải được giao cho công dân trước thời gian ghi trong lệnh 15 ngày.
(Căn cứ Điều 34 Luật nghĩa vụ quân sự 2015)
28. Phân định trách nhiệm gọi công dân nhập ngũ, tham gia nghĩa vụ CAND
- UBND các cấp, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, đủ số lượng, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thời gian theo quy định pháp luật; bảo đảm cho công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND có mặt đúng thời gian, địa điểm.
- UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức giao công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND cho các đơn vị nhận quân và tổ chức lễ giao nhận quân theo đúng quy định.
- UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm công khai số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ tại trụ sở UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức.
- Đơn vị nhận quân có trách nhiệm phối hợp với UBND các cấp tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND.
- Công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ CAND phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh; trường hợp có lý do chính đáng mà không thể đến đúng thời gian, địa điểm thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập và báo cáo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự, Trưởng Công an cấp huyện.
(Căn cứ Điều 35 Luật nghĩa vụ quân sự 2015)
29. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng NVQS
Vẫn theo quy định trước đây, UBND các cấp thành lập Hội đồng NVQS để giúp UBND cùng cấp thực hiện pháp luật NVQS.
* Hội đồng NVQS cấp tỉnh và cấp huyện gồm:
- Chủ tịch Hội đồng NVQS là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
- Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng NVQS là Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện.
- Phó Chủ tịch Hội đồng NVQS là Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện.
- Các ủy viên Hội đồng NVQS là người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam và một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND do Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định.
* Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã gồm:
- Chủ tịch Hội đồng NVQS là Chủ tịch UBND.
- Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng NVQS là Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự.
- Phó Chủ tịch Hội đồng NVQS là Trưởng Công an.
- Các ủy viên Hội đồng nghĩa vụ quân sự là người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Y tế; công chức tư pháp - hộ tịch, tài chính - kế toán và một số thành viên khác do Chủ tịch UBND quyết định.
* Hội đồng NVQS làm việc theo nguyên tắc tập thể; chịu trách nhiệm trước UBND cùng cấp về việc thực hiện NVQS tại địa phương; nghị quyết của Hội đồng phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
(Căn cứ Điều 36 Luật nghĩa vụ quân sự 2015)
(Còn nữa)