Tòa tuyên án, rồi sao?

Chủ đề   RSS   
  • #571403 20/05/2021

    jacktran159
    Top 500
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:20/03/2021
    Tổng số bài viết (248)
    Số điểm: 5148
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 238 lần


    Tòa tuyên án, rồi sao?

    Thi hành án dân sự - Minh họa

    Thi hành án dân sự - Minh họa

    Chủ nợ thấy con nợ ở nhà cao cửa rộng, đi ô tô tiền tỷ, nhưng cán bộ thi hành án vẫn nói "không còn tài sản trả nợ".

    "Tưởng toà đã tuyên án thì cứ thế mà thi hành, hoá ra bản án cũng chỉ là giấy lộn", doanh nhân chủ nợ trên chia sẻ với tôi khó khăn của công ty ông.

    Ba năm trước, sau nhiều lần thúc nợ không thành, vị doanh nhân đã phải khởi kiện một công ty đối tác vì họ mua hàng của ông mà không trả tiền. Mất gần một năm ra toà, ông cầm trên tay bản án phúc thẩm có hiệu lực của Toà án nhân dân Hà Nội. Bản án yêu cầu phía đối tác phải trả cho ông gần 5 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi của khoản nợ.

    Tưởng có bản án sẽ đòi được tiền, ông mới té ngửa là vẫn còn phải làm đơn gửi cơ quan thi hành án dân sự. Chấp hành viên đề nghị ông hỗ trợ xác minh xem con nợ còn tài sản gì không. Ông cung cấp địa chỉ nhà, số tài khoản và thông tin về con nợ.

    Sau một thời gian xác minh, chấp hành viên liệt bản án của ông vào diện "không có điều kiện thi hành" do con nợ không còn tài sản. Nhưng trên thực tế, ông vẫn thấy con nợ sống "sang chảnh", thường đăng ảnh ăn uống linh đình, du lịch nhiều nơi trên trang cá nhân. Ông khiếu nại, chấp hành viên vẫn nói "không thể tìm được tài sản".

    Khởi kiện ra toà là một hành trình gian nan và mệt mỏi. Rất nhiều người đã trầy trật mới có được bản án. Nhưng để đòi được tiền, bên nguyên đơn, bị đơn phải cầm bản án qua cơ quan thi hành án dân sự. Đây mới là hành trình chông gai.

    Những luật sư tranh tụng thường chia sẻ với tôi về sự trầy trật khi làm việc với cơ quan thi hành án dân sự. Từ việc chấp hành viên ngâm hồ sơ, cho đến năng lực xác minh yếu nên không tìm được tài sản của con nợ. Từ việc không cương quyết kê biên, cưỡng chế tài sản của con nợ chây ỳ cho đến chậm phát mãi, bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền cho chủ nợ.

    Nghe nhiều chuyện nhưng tôi vẫn rất băn khoăn. Biết đâu bạn bè mình "đen" mới gặp vụ khó, hoặc gặp phải chấp hành viên yếu kém; hoặc có thể họ chỉ thấy vài vụ việc ở Hà Nội trong khi các tỉnh khác làm tốt thì sao?

    Vì băn khoăn đó, tôi dành ba ngày cùng hai thực tập sinh mò mẫm gần 120 báo cáo trên trang web của Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ vì muốn biết hoạt động thi hành án dân sự ở nước ta hiệu quả thế nào. Kết quả có thể sẽ khiến nhiều người phải dụi mắt đọc lại.

    Tổng số tiền phải thi hành án trong 11 tháng đầu năm 2020 là hơn 262 nghìn tỷ đồng. Con số này tương đương với 3,3% giá trị GDP của Việt Nam cùng năm.

    Trong số trên, có đến 97 nghìn tỷ "chưa có điều kiện thi hành án", chủ yếu do con nợ đã khánh kiệt, không còn tiền để trả. Còn 152 nghìn tỷ "có điều kiện thi hành", chiếm 58% tổng dư nợ. Đây là những trường hợp con nợ còn tiền hoặc tài sản, và cơ quan thi hành án có nghĩa vụ thu hồi 152 nghìn tỷ này để trả cho người thắng kiện.

    Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan thi hành án chỉ thu được khoảng 38 nghìn tỷ đồng. Cộng với khoản các bên tự trả cho nhau hoặc phải xoá nợ do con nợ chết hoặc bị phá sản khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Tổng hai khoản này là 48 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 31,8% số tiền có thể trả được và đáng ra phải trả.

    Còn khoảng 103 nghìn tỷ đồng vẫn đang nằm trong túi người đáng ra phải trả tiền trong các vụ án dân sự ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020. Số tiền này tương đương 1,32% GDP của Việt Nam và có thể hiểu đang bị chiếm dụng bất hợp pháp.

    Minh hoạ dễ hiểu hơn: Toà tuyên án tôi phải trả cho bạn 100 đồng, bạn cầm bản án ra nhờ cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan này xác minh một hồi thì chỉ tìm được của tôi có 58 đồng. Tôi tự nguyện trả bạn 4 đồng, cơ quan thi hành án dân sự sau đó thu được của tôi 14 đồng và cũng đưa lại cho bạn. Như vậy, tổng bạn nhận được 18 đồng. Tài sản của tôi vẫn còn 40 đồng mà tôi không trả bạn.

    Nhưng đáng nói hơn, tỷ lệ này đang giảm dần theo từng năm. Nếu như năm 2017, thi hành án còn thu được 25 đồng thì đến năm 2019 chỉ còn 21 đồng và đến năm 2020 chỉ còn 18 đồng. Nếu chỉ tính những trường hợp con nợ còn tiền, tỷ lệ thu hồi cũng giảm rất nhanh, từ mức 43% năm 2017 chỉ còn 32% năm 2020.

    Tôi tra cứu kỹ hơn số liệu của Hà Nội, để xem các doanh nhân và bạn bè luật sư của tôi ở đây gặp khó khăn thế nào. Số tiền cần thi hành án tại Hà Nội là 43 nghìn tỷ đồng, tương đương 16% cả nước. Nhưng cứ 100 đồng được người dân và doanh nghiệp yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự của Hà Nội thu hồi "giúp", chỉ có từ 12 đồng được thu hồi trên thực tế - chỉ bằng 2/3 mức trung bình cả nước. Con số này tại TP HCM là từ 18 đồng.

    Theo quan sát của VCCI, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại toà án đã tiến bộ những năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ra toà khi có tranh chấp đã tăng liên tục từ mức 35,8% năm 2016 lên mức 56,8% năm 2020.

    Vấn đề là, hiệu quả công việc của toà được cải thiện thế nào đi chăng nữa mà bên thi hành án dân sự kém hiệu quả, cải cách tư pháp vẫn chỉ là công cốc.

    Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi, họ có thể tránh việc khởi kiện ra toà nếu làm kín kẽ ngay từ khâu hợp đồng nhằm lựa chọn giải quyết tranh chấp qua trọng tài thương mại. Nhưng dù qua toà án hay trọng tài, họ cuối cùng vẫn phải đi qua cửa của cơ quan thi hành án dân sự.

    Khe cửa này vốn đã hẹp, lại ngày càng khép lại với những người đi tìm công lý.

    Tôi chia sẻ các con số trên với một luật sư nhiều kinh nghiệm. Anh hỏi lại: "Cậu đã biết vì sao lại có dịch vụ đòi nợ thuê chưa?". "Nhưng nhà nước mới đây đã cấm dịch vụ này mà?", tôi hỏi lại.

    Anh cười, "lệnh cấm chỉ có tác dụng với những người đòi nợ văn minh. Còn xã hội đen có bao giờ đi xin giấy phép". Khi cơ quan thi hành án dân sự vẫn yếu kém thì còn đòi nợ thuê. Khi không thể trông chờ vào nhà nước, xã hội sẽ có cách giải quyết khác cho vấn đề của nó.

    Không nền kinh tế nào có thể phát triển nếu doanh nghiệp không ký hợp đồng hay đầu tư tài sản. Nhưng cũng chẳng doanh nhân nào dám ký hợp đồng hay giao dịch nếu biết rằng, khi đối tác hoặc bất kỳ ai khác xâm phạm quyền của mình, nhà nước không nhiệt tình đứng ra giúp họ đòi lại công lý.

    Ta vẫn biết toà án là cơ quan có trách nhiệm bảo vệ công lý. Nhưng ta chưa biết hết, rằng dù bản án công bằng nhưng không được thực thi, công lý vẫn ngoài tầm tay.

    Nguyễn Minh Đức

    Nguồn: VnExpress

     

     
    1926 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn jacktran159 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (20/05/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận