Tổ chức sử dụng phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo phải có nghĩa vụ như thế nào? Nhà nước kiểm tra về đo lường đối với phương tiện đo bao gồm nội dung như thế nào?
Tổ chức sử dụng phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo phải có nghĩa vụ như thế nào?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Luật Đo lường 2011 quy định: Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 38 Luật Đo lường 2011 tổ chức sử dụng phương tiện đo phải có nghĩa vụ sau:
+ Thực hiện biện pháp kiểm soát về đo đối với phương tiện đo trong quá trình sử dụng;
+ Bảo đảm các điều kiện vận chuyển, bảo quản, yêu cầu sử dụng theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu; trường hợp phát hiện sai, hỏng phải dừng việc sử dụng và thực hiện các biện pháp khắc phục;
+ Tuân thủ yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp đối với người sử dụng phương tiện đo khi thực hiện phép đo nhóm 2 theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền;
+ Bảo đảm điều kiện theo quy định để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa;
+ Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về đo lường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Trả chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo lường.
Nhà nước kiểm tra về đo lường đối với phương tiện đo bao gồm nội dung như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 43 Luật Đo lường 2011 nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo bao gồm:
+ Kiểm tra sự phù hợp của việc thể hiện đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này;
+ Kiểm tra sự phù hợp của các bộ phận, chi tiết của phương tiện đo nhóm 2 với mẫu đã được phê duyệt.
+ Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.
+ Kiểm tra đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này;
+ Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với điều kiện về bảo quản, lưu giữ, sử dụng;
+ Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với yêu cầu về đo lường đối với phương tiện đo tương ứng quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này.
Căn cứ theo Điều 17 Luật Đo lường 2011 yêu cầu cơ bản đối với phương tiện đo như sau:
+ Yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản của phương tiện đo phải được thể hiện trên phương tiện đo hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm.
+ Cấu trúc của phương tiện đo phải bảo đảm ngăn ngừa sự can thiệp dẫn đến làm sai lệch kết quả đo.
+ Đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.
Các loại phương tiện đo bao gồm?
Căn cứ theo Điều 16 Luật Đo lường 2011 các loại phương tiện đo theo quy định bao gồm:
+ Phương tiện đo được sử dụng trong nghiên cứu khoa học, điều khiển, điều chỉnh quy trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất hoặc các mục đích khác không quy định tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi là phương tiện đo nhóm 1) được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố.
+ Phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác (sau đây gọi là phương tiện đo nhóm 2) thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Tổng kết lại: Tổ chức sử dụng phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo phải tuân thủ các quy định theo pháp luật, các loại phương tiện đo của doanh nghiệp sử dụng trong nghiên cứu, định lượng các loại hàng hóa cần phải đảm bao về sức khỏe cộng động và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.