Việc chuyển nhượng cổ phần giữa tổ chức nước ngoài và cá nhân người Việt là một hoạt động kinh tế phổ biến. Vậy giao dịch này có phải chịu thuế không, nếu có thì mức thuế như thế nào?
(1) Tổ chức nước ngoài chuyển nhượng cổ phần cho cá nhân người Việt có phải đóng thuế không?
Khoản 2 Điều 2 Thông tư 78/2014/TT-BTC có quy định như sau:
Tổ chức nước ngoài sản xuất kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính. Các tổ chức này nếu có hoạt động chuyển nhượng vốn thì thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Điều 14 Chương IV Thông tư 78/2014/TT-BTC.
Như vậy, tổ chức nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nếu chuyển nhượng vốn (chuyển cổ phần) thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
(2) Tổ chức nước ngoài chuyển nhượng cổ phần cho cá nhân người Việt: Bên nào phải kê khai, nộp thuế?
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC, đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam mà tổ chức này không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn thì thực hiện kê khai, nộp thuế như sau:
- Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
- Trường hợp bên nhận chuyển nhượng vốn cũng là tổ chức nước ngoài không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam nơi các tổ chức nước ngoài đầu tư vốn có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài.
Như vậy, dựa vào quy định trên, trường hợp tổ chức nước ngoài chuyển nhượng cổ phần cho cá nhân người Việt Nam thì việc kê khai, khấu trừ và nộp thuế sẽ do cá nhân người Việt Nam thực hiện.
Theo đó, việc kê khai thuế, nộp thuế được thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế.
(3) Căn cứ, cách tính thu nhập chịu thuế TNDN khi tổ chức nước ngoài chuyển nhượng cổ phần
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC, căn cứ tính thu nhập chịu thuế TNDN trong trường hợp tổ chức nước ngoài chuyển nhượng cổ phần là giá chuyển nhượng, giá mua phần vốn chuyển nhượng và chi phí chuyển nhượng.
Cụ thể, thu nhập tính thuế TNDN khi chuyển nhượng cổ phần tính theo công thức sau:
Thu nhập tính thuế
|
=
|
Giá chuyển nhượng
|
-
|
Giá mua của phần vốn chuyển nhượng
|
-
|
Chi phí chuyển nhượng
|
Trong đó:
- Giá chuyển nhượng: là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng, không bao gồm lãi trả góp, lãi trả chậm theo thời hạn quy định trong hợp đồng (nếu có)
- Giá mua của phần vốn chuyển nhượng:
+ Chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp: Giá trị phần vốn góp lũy kế theo sổ sách, hồ sơ, và chứng từ kế toán, được xác nhận bởi các bên liên quan hoặc kiểm toán độc lập.
+ Mua lại phần vốn: Giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua, căn cứ vào hợp đồng mua lại và chứng từ thanh toán.
+ Chuyển nhượng bằng ngoại tệ: Nếu doanh nghiệp hạch toán bằng ngoại tệ, giá chuyển nhượng và giá mua được xác định bằng ngoại tệ. Nếu hạch toán bằng đồng Việt Nam, giá chuyển nhượng phải quy đổi theo tỷ giá mua vào của ngân hàng tại thời điểm chuyển nhượng.
- Chi phí chuyển nhượng: các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ hợp pháp. Nếu chi phí phát sinh ở nước ngoài, chứng từ gốc cần được công chứng hoặc kiểm toán xác nhận và phải được dịch sang tiếng Việt có xác nhận của đại diện có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 11 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2023, mức thuế TNDN phải đóng được tính theo công thức:
Thuế TNDN = Thu nhập chịu thuế TNDN x Thuế suất
Sau khi tính được mức thuế TNDN phải nộp, cá nhân người Việt nhận chuyển nhượng cổ phần từ tổ chức nước ngoài thực hiện việc nộp thuế theo các quy định của pháp luật về quản lý thuế.