Xưa kia chuyện hôn nhân thì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, vậy nên không có tình yêu trước hôn nhân mà là sự sắp đặt của người lớn. Nhưng họ vẫn sinh con đẻ cái và sống với nhau trọn đời. Còn bây giờ hôn nhân là “con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó”, như thế chất liệu để tạo nên hôn nhân là tình yêu. Song tình trạng ly hôn ngày một gia tăng, vậy nguyên nhân do đâu?
Để có lời đáp chính xác cho câu hỏi này xin theo dòng lịch sử phát triển đời sống hôn nhân gia đình của Việt Nam.
Trong thời kỳ phong kiến việc hôn nhân là câu chuyện do người lớn sắp đặt, chồng cầm dây cương trong gia đình, vợ luôn là người phụ thuộc. Vợ chỉ chuyên nội trợ, và chịu sự “áp bức” từ chồng nhưng luôn kìm nén vì xã hội đương thời “trọng nam khinh nữ”. Người vợ phải sống như thế mới gọi là tam tồng (tại gia tồng phụ, xuất giá tồng phu, phu tử tồng tử), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh).
Khi cách mạng tháng 8 thành công, đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ. Nữ giới bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nam nữ bình đẳng. Như thế, chuyện hôn nhân cũng theo hướng mở hơn, con người ta yêu nhau thì tiến tới bên nhau, không yêu thì chia tay. Thoạt đầu, mọi chuyện diễn ra một cách suôn sẻ và tưởng chừng đó như chân lý mang đến niềm vui và hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển, vợ không còn bó hẹp với công việc nội trợ nữa, mà đã tham gia vào công việc ngoài xã hội như nam giới. Chính từ đó, họ không còn kìm nén, chịu đựng chồng như trước mà luôn đòi hỏi sự “công bằng”. Do lý tưởng “công bằng” đã đưa đến bi kịch ly hôn.
Nhìn vào pháp luật hiện hành của nước ta quy định: “yêu là đến với nhau khi không còn yêu nữa thì chia tay để giải thoát cho nhau” liệu có hợp lý hay không?
Xã hội hiện nay, chất liệu để tạo nên hôn nhân là tình yêu, còn chất liệu để duy trì hôn nhân thì không phải là tình yêu mà là nghĩa. Bởi vậy, khi yêu họ có quyền đến với nhau nhưng khi tình yêu hết không có nghĩa là cuộc sống hôn nhân đó chấm dứt. Mà chỉ khi chữ nghĩa không còn thì đời sống hôn nhân mới thật sự tan biến.
Nghĩa ở đây là tình nghĩa được sinh ra bởi tình yêu; trách nhiệm của họ với gia đình, con cái; nuôi dưỡng và giáo dục con cái; phải biết hi sinh lợi ích tình cảm cá nhân để phục vụ cho gia đình…
Nhưng pháp luật hiện hành trọng tình yêu mà không đề cập đến nghĩa, thế nên “nghĩa” dễ dàng tan vỡ. Đời sống tình cảm của mỗi người không được pháp luật điều chỉnh bởi “nghĩa”, do đó cái ích kỷ trong tình cảm cá nhân trổi dậy một cách tự do không suy nghĩ và tất yếu sinh ra cái nhu cầu tự hưởng thụ cho bản thân mà không chăm lo đến đời sống gia đình. Lối tối sa ngã, ngoại tình …dần dần xuất hiện và nhiều khi đây chính là cái cớ tạo ra những cuộc ly hôn hợp lý bằng cách viện dẫn tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Như vậy, câu chuyện ly hôn diễn ra một cách vô cùng đơn giản, nhưng hậu quả của nó cực kỳ to lớn; tế bào của xã hội bị tan vỡ, con cái bị chia tách tình thương, sự oán hận kéo dài, nhân cách trẻ thơ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hoàn cảnh… thật sự đây là một viễn cảnh buồn nhưng là thật sự.
Vậy pháp luật cần phải làm gì trước thực trạng báo động nêu trên? Khi pháp luật mang tính định hướng hành vi của con người, giúp họ sống có quy tắc và trách nhiệm hơn với tế bào xã hội.
Có lẽ luật pháp nên đưa chữ “nghĩa” vào đời sống hôn nhân gia đình, có như thế mới tạo nên sự bền vững trong mái ấm tình thương. Trước đây, pháp luật của chế độ cũ đã đưa chữ nghĩa vào đời sống hôn nhân gia đình bằng quy định: hành vi ngoại tình được xem xét như một yếu tố lỗi để phân chia tài sản, giao quyền nuôi con… Người bị ngoại tình sẽ được xem xét quyền lợi khi phân chia tài sản và nuôi con.
Bởi vậy, pháp luật hiện hành cần thay đổi cách nhìn bằng cách đưa chế định lỗi vào những vụ ly hôn. Xác định ai là người có lỗi trong việc làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, người có lỗi buộc phải chịu trách nhiệm với hành vi mình gây ra, như bất lợi trong việc chia tài sản, quyền nuôi con… Như vậy, sẽ hạn chế được hành vi gây ra lỗi tùy tiện như hiện nay, vì khi tạo ra lỗi họ phải gánh lấy sự mất mát lớn khi ly hôn, do đó họ sẽ rời xa lỗi để quay về với chính mái ấm của mình.
Ví dụ: Với pháp luật hiện hành thì người chồng ngoại tình sau đó dẫn đến ly hôn thì về nguyên tắc tài sản chung được chia đôi, như vậy nhiều trường vô tình đốc thúc họ ngoại tình để lấy cớ chia tay và chia đôi tài sản. Nhưng một khi đã xác định yếu tố lỗi trong vụ án ly hôn thì sẽ khác; đánh giá mức độ lỗi, quy trách nhiệm để chia tài sản. Nếu mức độ lỗi của người tạo ra sự đỗ vỡ thấp thì tài sản họ được hưởng khi chia là 30%, 40%, nếu nghiêm trọng thì 0%. Đây chính là sự răn đe để định hướng hành vi cho mỗi người từ bỏ cái ích kỷ tình cảm cá nhân nhằm xây dựng và duy trì gia đình hạnh phúc.
|
Lỗi có thể được liệt kê như: ngoại tình, rượu chè, nghiện hút, vũ phu… hoặc hành vi khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình.
Pháp luật hiện hành đã quá thượng tôn sự tự do, tình yêu thiêng liêng, vô tình lãng quên chữ “nghĩa”– vật liệu để duy trì đời sống hôn nhân gia đình và mô hình chung đã làm gia tăng việc ly hôn như hiên nay. Từ đó, dễ dàng nhận thấy tình trạng ly hôn gia tăng lỗi một phần do Luật.
Cập nhật bởi HuyenVuLS ngày 05/12/2013 08:04:06 SA