Viên chức tư vấn học sinh là viên chức trong các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ thực hiện các công tác liên quan tư vấn học sinh trong nhà trường.
Theo quy định mới nhất hiện nay tại Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 04/11/2024 thì tiêu chuẩn viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số V.07.07.24 bao gồm:
Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp
Căn cứ Điều 3 Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT thì viên chức tư vấn học sinh cần đáp ứng tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp sau:
- Chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành;
- Trung thực, khách quan, có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Giữ gìn phẩm chất, đạo đức, danh dự, uy tín của viên chức; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp và học sinh;
- Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; biết lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, bảo mật thông tin cá nhân và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của học sinh;
- Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn cụ thể viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số V.07.07.24
Nhiệm vụ
- Tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tư vấn học sinh của nhà trường; báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định;
- Quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác tư vấn học sinh;
- Thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khi gặp vấn đề khó khăn về nhận thức, cảm xúc, hành vi và các mối quan hệ xã hội ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất;
- Chủ trì phối hợp với giáo viên, nhân viên trong nhà trường, các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường để tổ chức đánh giá, rà soát phòng ngừa và thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh (bao gồm cả tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm hay tư vấn tập thể) thông qua các hình thức tư vấn trực tiếp, tư vấn gián tiếp hoặc trực tuyến;
- Phối hợp với giáo viên trong các hoạt động giáo dục học sinh liên quan đến công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh;
- Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành hoặc ngành sau: Tâm lý học; Công tác xã hội; Xã hội học; Đào tạo giáo viên phù hợp với cấp học;
- Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
- Hiểu biết về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành đối với công tác tư vấn học sinh;
- Có khả năng tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh của nhà trường theo kế hoạch;
- Nhận biết được đặc điểm tâm lý, sinh lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; nhận biết được các hình thức xâm hại, bạo lực học đường và thực hiện thành thạo các kỹ năng phân tích, đánh giá mức độ tổn thương và mức độ nguy cơ;
- Có khả năng xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn nhằm phòng ngừa, bảo vệ học sinh khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực học đường góp phần hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất;
- Có hiểu biết về kiến thức pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh để áp dụng thực hiện trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng ứng xử sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác;
- Có khả năng phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh.
=>> Theo đó viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số V.07.07.24 cần đáp ứng các tiêu chuẩn nêu trên kể từ ngày 04/11/2024.