Hoài giải viên thương mại là người thực hiện thủ tục hòa giải giữa các pháp nhân thương mại với nhau. Vậy để trở thành hòa giải viên thương mại cần phải đáp những tiêu chuẩn gì?
1. Hoà giải viên thương mại là ai?
Cụ thể tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP giải thích hòa giải viên thương mại bao gồm hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp thương mại.
Theo đó, hòa giải viên thương mại sẽ thực hiện công việc của mình thông qua phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP.
2. Tiêu chuẩn trở thành hòa giải viên thương mại
Để trở thành hòa giải viên thương mại người dự thi phải đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP bao gồm:
(1) Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được làm hòa giải viên thương mại:
Thứ nhất phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan.
Thứ hai phải có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên.
Thứ ba phải có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
(2) Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP.
(3) Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định tại mục (1).
(4) Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.
3. Quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại
Căn cứ Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP hòa giải viên thương mại trong quá trình hoạt động có những quyền lợi và nghĩa vụ như sau:
* Hòa giải viên thương mại có các quyền sau đây:
- Chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại;
- Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
- Được hưởng thù lao từ việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo thỏa thuận với các bên tranh chấp;
- Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
* Hòa giải viên thương mại có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; độc lập, vô tư, khách quan, trung thực;
- Tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội;
- Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
- Thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải;
- Không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
Như vậy, để trở thành hòa giải viên thương mại thì người ứng tuyển phải có có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đồng thời có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan. Ngoài ra, có trình độ đại học trở lên và đã có kinh nghiệm công tác 02 năm trở lên và có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại.