Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và nội dung đào tạo chuyên môn đối với Nhân viên y tế thôn, bản

Chủ đề   RSS   
  • #615530 22/08/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (334)
    Số điểm: 2673
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 59 lần


    Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và nội dung đào tạo chuyên môn đối với Nhân viên y tế thôn, bản

    Tiêu chuẩn, nhiệm vụ của Nhân viên y tế thôn, bản và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản được quy định tại Thông tư 27/2023/TT-BYT.

    1. Tiêu chuẩn đối với Nhân viên y tế thôn, bản

    Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 27/2023/TT-BYT, Nhân viên y tế thôn, bản phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

    - Trình độ chuyên môn, đào tạo phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

    + Hoàn thành chương trình (được cấp chứng chỉ) theo nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định;

    + Có trình độ chuyên môn về y (bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh) từ trung cấp trở lên.

    - Tự nguyện tham gia làm Nhân viên y tế thôn, bản

    - Có đủ sức khoẻ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

    Như vậy, để trở thành Nhân viên y tế thôn, bản thì phải đáp ứng tiêu chuẩn nêu trên. Nhân viên y tế thôn, bản sẽ hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn, bản.

    2. Quy định về nhiệm vụ của Nhân viên y tế thôn, bản

    Tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 27/2023/TT-BYT quy định nhiệm vụ của Nhân viên y tế thôn, bản như sau:

    - Tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu và các hoạt động y tế tại thôn, bản bao gồm:

    + Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục, hướng dẫn, tư vấn người dân tại thôn, bản về: chăm sóc sức khỏe; phòng, chống các yếu tố nguy cơ sức khỏe; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng, HIV/AIDS, các bệnh không lây nhiễm, dịch bệnh tại cộng đồng; phòng, chống tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường;

    + Phát hiện, tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh truyền qua thực phẩm, dịch bệnh mới nổi tại thôn, bản;

    + Phối hợp thực hiện các chương trình, dự án y tế tại thôn, bản;

    + Hướng dẫn người dân trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để phòng và chữa một số triệu chứng, bệnh thông thường;

    + Tham gia triển khai thực hiện các phong trào vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng;

    + Tham gia hướng dẫn lập hồ sơ sức khỏe toàn dân và quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn;

    + Tham gia các khoá đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ;

    + Tham gia giao ban định kỳ với trạm y tế xã;

    + Thực hiện báo cáo kịp thời, đầy đủ theo hướng dẫn của trạm y tế xã.

    - Tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em bao gồm:

    + Tuyên truyền, vận động vệ sinh phụ nữ, vệ sinh thai nghén, dinh dưỡng hợp lý và loại trừ các tập tục có hại cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em; vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai, tiêm phòng uốn ván, đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sinh đẻ, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo độ tuổi, nuôi con bằng sữa mẹ;

    + Báo cáo danh sách, số lượng trẻ em của thôn, bản; lập danh sách phụ nữ mang thai và danh sách trẻ em thuộc diện tiêm chủng theo quy định, theo dõi phát hiện biến chứng sau tiêm chủng;

    + Hướng dẫn người dân sử dụng các công cụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản giấy và điện tử;

    - Tham gia hoạt động khám, chữa bệnh tại thôn, bản được quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 27/2023/TT-BYT.

    Như vậy, nhiệm vụ của Nhân viên y tế thôn, bản là tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu và các hoạt động y tế tại thôn, bản; tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và tham gia hoạt động khám, chữa bệnh tại thôn, bản theo quy định.

    3. Nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản

    Tại Điều 6 Thông tư 27/2023/TT-BYT quy định nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ của Nhân viên y tế thôn, bản như sau:

    - Nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này, thời gian đào tạo tối thiểu ba (03) tháng;

    - Trường hợp Nhân viên y tế thôn, bản làm kiêm nhiệm vụ Cô đỡ thôn, bản thì các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này, thời gian đào tạo tối thiểu ba (03) tháng.

    Như vậy, tùy thuộc vào công việc Nhân viên y tế thôn, bản phụ trách mà nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ có thể sẽ khác nhau nhưng thời gian đào tạo tối thiểu là 03 tháng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được phép đào tạo các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Y sỹ đa khoa từ trình độ trung cấp trở lên căn cứ nội dung chuyên môn, nghiệp vụ của Nhân viên y tế thôn, bản theo quy định trên, tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình, tài liệu đào tạo, tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định.

     
    28 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận