1. Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân
Vấn đề tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ quyết định chất lượng hoạt động của đại biểu mà còn là yếu tố nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND. Tiêu chuẩn ĐBQH theo 5 tiêu chí được quy định tại
Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội. Các tiêu chuẩn đối với đại biểu HĐND cũng tương đồng như đối với ĐBQH và được quy định tại Điều 7
Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Có thể thấy, dù trong điều kiện, hoàn cảnh cách mạng nào thì tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng về tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND luôn được xem trọng, là nhân tố bảo đảm xây dựng cơ quan quyền lực nhà nước vững mạnh, thực sự đại diện cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Vấn đề tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND không chỉ đặt ra cho cơ quan, tổ chức giới thiệu người ra ứng cử mà còn là cơ sở, tiêu chí để cử tri lựa chọn đại biểu và thực hiện quyền chính trị cơ bản của mình.
Theo quy định hiện nay, tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND mới đề cập đến yêu cầu chung nhất về đạo đức, tài năng, các mối quan hệ biện chứng giữa đức và tài, về uy tín trước nhân dân, các điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Hiệu quả hoạt động của đại biểu phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể, bị chi phối bởi yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ, vào điều kiện kinh tế - xã hội, quyền làm chủ của nhân dân… Từ đó trong mỗi cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND ngoài những tiêu chí chung có tính phổ biến, còn chú trọng những quy định về tiêu chuẩn cụ thể cho phù hợp với yêu cầu mới.
Trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND nêu trên, trong quá trình chuẩn bị nhân sự bầu cử, trước mỗi cuộc bầu cử, Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng Đề án chuẩn bị bầu cử, trong đó, nhưng tiêu chuẩn của đại biểu luôn được chú trọng. Để chuẩn bị công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Chấp hành trung ương sẽ có Hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Năm 2016 Ban Tổ chức Trung ương đã có
Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW, trong đó có nội dung quy định về tiêu chuẩn đối với đại biểu HĐND, người ứng cử đại biểu HĐND ngoài các tiêu chuẩn phải đáp ứng theo quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì người ứng cử đại biểu HĐND các cấp phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (đối với những người đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung).
Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện:
(1) Về trình độ, chức vụ:
+ Có trình độ đại học trở lên (đối với cấp tỉnh, cấp huyện); có khả năng tham gia xây dựng chính sách và tổ chức các hoạt động giám sát; có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến phân công.
+ Ở cấp tỉnh: Cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND phải là tỉnh ủy viên (trong 02 đồng chí Phó Chủ tịch HĐND có 01 đồng chí là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy) giữ chức Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử Trưởng ban của HĐND phải giữ chức Phó Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử Phó trưởng ban của HĐND phải giữ chức vụ Trưởng phòng của sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.
+ Ở cấp huyện: Cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND phải là huyện ủy viên (trong 02 đồng chí Phó Chủ tịch HĐND có 01 đồng chí là ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy), giữ chức Trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử Trưởng ban của HĐND phải giữ chức Phó trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử Phó trưởng ban của HĐND phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên.
Đối với các đồng chí dự kiến bố trí làm Trưởng các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện kiêm nhiệm, cần có năng lực, trình độ, sức khỏe và thời gian để đáp ứng yêu cầu công việc.
+ Ở cấp xã: Cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND phải là ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy xã; đối với những nơi chưa có điều kiện có thể xem xét, giới thiệu đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã. Căn cứ tình hình cụ thể, Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND cấp xã; phấn đấu lựa chọn cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực và khả năng phát triển.
(2) Về độ tuổi (ngoài tiêu chuẩn chung về độ tuổi nêu trên):
+ Người lần đầu ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách phải đủ tuổi tham gia 02 nhiệm kỳ HĐND trở lên hoặc ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ; nếu tái cử thì thực hiện theo
Chỉ thị số 36-CT/TW (mới đây là Chỉ thị số 35) tức là nam sinh từ tháng 11/1963, nữ sinh từ tháng 11/1968 trở lại đây.
+ Cán bộ nữ thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn theo
Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29-5-2015 của Chính phủ thì tuổi tái cử đại biểu HĐND nếu sinh từ tháng 5-1961 trở lại đây và sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm giới thiệu nhân sự (tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở khám sức khỏe).
* Về việc bố trí Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH và nhân sự lãnh đạo chủ chốt HĐND, Ủy ban nhân dân các cấp
(+) Các đồng chí là lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp ủy và Bộ Chính trị, Ban Bí thư giới thiệu ứng cử ĐBQH, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức danh Trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh, thành phố. Các đồng chí đảm nhiệm chức danh Phó Trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh, thành phố phải là tỉnh ủy viên, giữ chức Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, phó chủ tịch HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc tương đương trở lên; các tỉnh, thành phố được cơ cấu 02 Phó Trưởng đoàn thì ít nhất có 01 đồng chí đáp ứng yêu cầu nêu trên.
(+) Việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt HĐND, Ủy ban nhân dân các cấp phải căn cứ vào phương án nhân sự do cấp ủy chuẩn bị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khi tiến hành đại hội đảng bộ các cấp); trường hợp cần thiết phải thay đổi thì báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định.
(+) Các đồng chí được giới thiệu ứng cử làm Trưởng đoàn ĐBQH, ứng cử giữ chức chủ tịch HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì theo Đề án nhân sự cụ thể do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
(+) Cấp ủy các cấp lãnh đạo việc bố trí nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt HĐND, Ủy ban nhân dân các cấp về các đơn vị bầu cử, đảm bảo sự hài hòa, tương quan chung trong việc bố trí nhân sự ứng cử tại các đơn vị bầu cử ở địa phương.
(+) Về số lượng cấp phó đối với chức danh lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện theo quy định hiện hành.
* Phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong giới thiệu nhân sự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp
(+) Đối với mỗi chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo HĐND, Ủy ban nhân dân các cấp, các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ giới thiệu một đại biểu tham gia ứng cử theo nguyên tắc tập trung dân chủ và phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
2. Về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân
Tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND liên quan chặt chẽ với vấn đề cơ cấu đại biểu. Trên cơ sở tiêu chuẩn, cần phải có cơ cấu hợp lý để đảm bảo tính đại diện trong hệ thống cơ quan dân cử, đại diện cho trí tuệ và sự đoàn kết của dân tộc. Sự phân bố dân cư rất không đồng đều, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi vùng, miền cũng khác nhau. Do đó, việc xác định cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND là cần thiết, là yêu cầu khách quan. Vì vậy, trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND, trước mỗi cuộc bầu cử, Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng Đề án chuẩn bị bầu cử, trong đó cơ cấu là cần thiết nhưng tiêu chuẩn, chất lượng cần phải được tiếp tục quan tâm, chú trọng.
1) Về việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng ĐBQH:
Dựa trên căn cứ dự kiến số lượng ĐBQH được bầu, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH, phân bổ số lượng ĐBQH dựa trên nguyên tắc: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số ĐBQH dự kiến được bầu là năm trăm người.
Số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội. Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là phụ nữ. Qua các khóa Quốc hội, trình độ và chất lượng ĐBQH đều được nâng lên.
2) Về việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND:
Việc xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu ở mỗi đơn vị hành chính được căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị hành chính được dựa trên các tiêu chí nữ, dân tộc, ngoài Đảng, tái cử. Ngoài ra, việc xác định dự kiến cần tính đến việc phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ở các đơn vị hành chính cấp dưới, các thôn, tổ dân phố bảo đảm tương quan hợp lý về dân số giữa các đơn vị này.
Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND để bố trí làm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được thực hiện căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và phải bảo đảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Ở cấp tỉnh, Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của HĐND cấp tỉnh có ít nhất hai đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ở cấp huyện, Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của HĐND cấp huyện có ít nhất một đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ở cấp xã, một Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.
Có thể nói, cơ cấu, thành phần ĐBQH, đại biểu HĐND của các khoá đã có sự đổi mới, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế bất cập cần được tiếp tục khắc phục, đó là:
Thứ nhất, cần đặt vấn đề cơ cấu trong mối quan hệ với tính đại diện. Các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành quy định ĐBQH, đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trong giai đoạn kinh tế tri thức, cần phải hiểu khái niệm đại diện theo hướng “đại diện trí tuệ” chứ không thuần túy là đại diện theo con người. Ví dụ, một đại biểu là chuyên gia về kinh tế nông nghiệp, nông thôn có thể đại diện cho tiếng nói của người dân vùng nông dân. Một nhà nghiên cứu dân tộc học có thể đại diện, truyển tải tâm tư, nguyện vọng của người dân vùng dân tộc thiểu số.
Thứ hai, quá trình phân bổ cơ cấu và thực tế việc giới thiệu ứng cử viên theo cơ cấu còn có những bất cập. Khi phân bổ cơ cấu về các địa phương thường có dự kiến các cơ cấu kết hợp bao gồm: dân tộc, nữ, trẻ tuổi, tái cử và ngoài đảng (trước đây thì có thêm cơ cấu tự ứng cử). Thực tế có nhiều trường hợp đại biểu được giới thiệu để “gánh” hai đến ba cơ cấu, cá biệt có trường hợp “gánh” cả 4 cơ cấu. Đại biểu khi trúng cử là một nữ, ngoài đảng, vừa tốt nghiệp đại học còn chưa có việc làm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của đại biểu cũng như cơ quan mà đại biểu tham gia.
Thứ ba, một số cơ cấu chưa được quan tâm thích đáng như cơ cấu kết hợp, tái cử, điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. (Ví dụ như HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy số đại biểu HĐND ở cấp tỉnh tái cử là 33,88% thấp hơn 0,6% so với nhiệm kỳ 2011-2016). Sau một nhiệm kỳ hoạt động, kiến thức và kỹ năng tích lũy được sẽ là hành trang, là nền tảng quan trọng cho nhiệm kỳ tiếp theo. Nếu vì lý do khách quan mà không được tiếp tục giới thiệu ứng cử thì không những phải bồi dưỡng, kiến thức kỹ năng cho các đại biểu mới mà còn không phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của những đại biểu đương nhiệm.
Tóm lại, mối quan hệ giữa công tác quy hoạch và tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu là mối quan hệ tương hỗ, tác động lẫn nhau. Để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, cần có sự chủ động chuẩn bị nguồn nhân sự gắn với việc lựa chọn những đại biểu có đủ tiêu chuẩn, năng lực và điều kiện thực sự tham gia ứng cử đại biểu dân cử, trên cơ sở đảm bảo cơ cấu, thành phần đại biểu một cách hợp lý. Như vậy, căn cứ nguồn quy hoạch đào tạo mà xác định cơ cấu, tiêu chuẩn, thành phần và lựa chọn nhân sự bầu làm đại biểu. Có như vậy, cơ quan dân cử mới hoàn thành tốt chức năng lập pháp, giám sát và quyết điịnh những vấn đề quan trọng của đất nước nói chung, của địa phương nói riêng.
THS. TẠ THỊ YÊN
Vụ trưởng Vụ công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội.